Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Giải pháp hạn chế tác hại nhiễm mặn đến cây ăn trái

Hiện nay mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, gây ảnh hưởng xấu đến vườn cây ăn trái của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khả năng chịu mặn của các loại cây trồng rất khác nhau, tùy thuộc vào giống, loài cây, tùy thuộc vào tuổi cây, tình trạng sinh trưởng của cây, tùy thuộc vào độ mặn của nước tưới, số lần tưới … Do đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho cây trồng, các nhà vườn cần lưu ý những vấn đế sau:

cây ăn trái

1. Tác hại của việc cây ăn trái bị nhiễm mặn:

Khi cây ăn trái bị nhiễm mặn sẽ làm cho cây không hút được nước, không hấp thu được dinh dưỡng, nếu bị nặng sẽ làm cây bị ngộ độc, cây héo và chết. Do đó, nếu tưới nước mặn cho cây khi nồng độ mặn vượt qua ngưỡng chịu đựng của cây sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng của trái cây, nếu bị nặng sẽ làm chết cây.

2. Khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn trái:

- Nhóm chịu mặn dưới 0,1%: sầu riêng, măng cụt, bòn bon

- Nhóm chịu mặn từ 0,14 - 0,2%: cacao

- Nhóm chịu mặn từ 0,2 - 0,3%: cam chanh, bưởi, chuối

- Nhóm chịu mặn từ 0,3 - 0,4%: xoài, dừa. Xoài ghép trên gốc xoài ghép xanh, gốc xoài Châu Hạng Võ có khả năng chịu mặn đến 0,6%.

- Nhóm chịu mặn từ 0,4 - 0,6%: cam quýt ghép gốc cam 3 lá, Xoài Châu hạng Võ, me

- Nhóm chịu mặn từ 0,6 - 1%: Sapo, Mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát.

Trên đây là ngưỡng gây hại khi cây vườn cây ăn trái bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, cây còn nhỏ, cây đang mang lá non, mang trái thì cây có sức chịu đựng kém hơn cây trưởng thành có bộ lá già. Ngoài ra, nếu chúng ta tưới nước mặn nhiều lần và nhiều nước trong mỗi lần tưới thì nồng độ mặn trên mặt liếp sẽ tăng;

3. Các giải pháp hạn chế tác hại của mặn đến cây ăn trái:

- Đo kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước tưới cây.

- Nếu nước mặn vượt trên ngưỡng chịu đựng của cây trồng thì đợi con nước kém hoặc nước ròng (lúc này độ mặn giảm thấp) đo kiểm tra độ mặn, nếu nước tốt thì bơm nước vào mương vườn và đóng cống trữ nước lại trong mương. Lưu ý, lớp nước trên mặt ít mặn hơn lớp nước phía dưới.

- Khoảng 15 và 30 âm lịch, khi nước sông dâng cao, nên đóng chặt cống đập, không để nước xâm nhập vào mương vườn vì lúc này nước sẽ có độ mặn cao. Nếu nước mặn đã lỡ xâm nhập vào mương thì nên đóng cống và bơm tháo nước ra, đợi nước có triều thấp, kiểm tra lại độ mặn, nếu nước tốt thì bơm vào trữ trong mương vườn.

- Tủ gốc (nếu có điều kiện thì che chắn cả mặt liếp) để giảm bốc hơi nước cho liếp.

- Hạn chế tưới nước cho cây: Giảm số lần tưới và lượng nước tưới ở mức thấp nhất. Chỉ tưới cho cây với lượng nước rất ít, đủ cho cây không bị héo lá vì tưới nhiều lần và tưới nhiều nước, chúng ta đã đưa nhiều muối lên trên vườn cây ăn trái.

- Chú ý không để mặt đất bị khô nứt.

- Bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây:

+ Bón phân qua rễ: Cung cấp phân đạm, Kali để tăng khả năng chịu mặn của cây. Sử dụng phân đạm dạng Urea, hoặc SA và Kali trắng K2SO4.

+ Bón vôi bột CaO hoặc thạch cao CaSO4

+ Phun phân bón lá chứa nhiều đạm và Kali như KNO3 hay các loại phân bón lá khác.

- Phun hormone để giúp tăng khả năng hút nước cho cây: Phun các chất có hoạt chất là Brassinosteroid như: Nyro 0.01SL, Comcat 150WP, Super Humic…

- Cung cấp vi sinh vật vùng rễ qua các loại phân hữu cơ vi sinh.

Ghi chú: Có thể sử dụng dụng cụ đo độ mặn đơn giản với giá thấp hơn 100.000 đồng/chiếc hoặc Khúc xạ kế với giá từ trên 1 triệu đến trên 2 triệu đồng/chiếc tùy thuộc vào hãng sản xuất và chất lượng sản phẩm.

TS. Trần Thanh Phong

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng