Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Chơi Tết với cây trà cổ trăm triệu

Trà cổ được rất nhiều người ưa chuộng bởi ngoài vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa thì cây còn mang nhiều tầng ý nghĩa, triết lý sâu sắc. Do đó mà trà cổ thường cháy hàng trong dịp Tết.

Không khí Tết về sớm tại nhiều nhà vườn ở Văn Giang (Hưng Yên) khi các đoàn xe nối đuôi nhau chở cây về các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng,... để tiêu thụ, còn chủ vườn thì bận rộn từ sáng tới tối để chăm sóc, tưới tắm, tỉa lá tỉa cành,... Những khu vườn bạt ngàn cây cảnh, nhiều cây khách đặt trước đã được đánh dấu vào chậu, sẵn sàng phục vụ người chơi.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa trà

Chơi Tết với cây trà cổ trăm triệu

Các loại cây quý hiếm, có thế độc lạ bắt đầu được giới sành cây cảnh săn lùng. Đặc biệt, Tết Nguyên đán năm nay, loại trà cổ có tuổi đời lâu năm, thế cây “chất”, phong thủy đẹp đang là thú chơi thịnh hành.

Anh Chử Văn Biên ở thôn Đại, xã Phụng Công - chủ vườn cây trà cổ - chia sẻ, ngay từ tháng 8 âm lịch, nhiều khách đã đặt mua vì sợ gần Tết cháy hàng. Như Tết năm ngoái, mới trung tuần tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), vườn nhà anh đã hết nhẵn không còn một cây nào. Năm nay, anh đã để ra 200 gốc bán Tết mà giờ chỉ còn một nửa, nên vào đợt thị trường trà cổ sôi động, anh nghĩ cũng chẳng mấy mà cháy hàng.

Trong vườn nhà anh Biên, hiện cây trà có giá cao nhất là khoảng 120 triệu đồng, cây trung bình là 50-70 triệu, còn loại bình dân dao động từ 20-35 triệu.

Chơi Tết với cây trà cổ trăm triệu

Đặc biệt, có cây anh chỉ để trưng bày chứ nhất định không bán, điển hình là cây trà lựu. Dù các đại gia và giới sành chơi săn đón ráo riết, trả giá khủng, anh vẫn kiên quyết từ chối. Bởi, anh Biên cho rằng, dòng trà lựu đang trên đà tuyệt chủng, số lượng còn lại rất ít nên anh muốn giữ lại nhân giống bảo tồn.

Cây trà lựu anh Biên nhất định giữ lại thuộc dòng trà lựu bát diện quý hiếm, có tuổi đời hơn 30 năm, cả xã Phụng Công (làng nghề chuyên trồng cây cảnh ở huyện Văn Giang) chỉ còn duy nhất một cây.

Đặc điểm của dòng bát diện khi nở là bông to, cuộn hình cầu, cánh hoa xếp xoáy hình như bông lựu.

Khi chăm sóc trà lựu bát diện độ khó cũng tăng theo cấp số nhân, do cây khó lớn, phát triển chậm và yếu so với loại trà thông thường.

Theo anh Biên, việc định giá cây ngoài dựa vào dáng, thiết kế, tạo hình còn phụ thuộc lớn vào tuổi đời. Trung bình dòng trà cổ thụ thường được trồng 30-40 năm, tầm trung từ 15-20 năm, tầm thấp vào khoảng 8-9 năm. Vì thế, để có được mức giá cao như hiện tại anh đã bỏ rất nhiều công nuôi trồng, chăm sóc rất cẩn thận và kỹ càng.

Trà cổ được rất nhiều người ưa chuộng bởi ngoài vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa thì cây còn mang nhiều tầng ý nghĩa, triết lý sâu sắc. Anh Biên nhận xét, với kinh nghiệm làm cây lâu năm, anh chưa bao giờ thấy loài nào lâu ra nụ, cho hoa như cây trà.

Thường thì, trà ra nụ vào tháng 4 âm lịch, tới tận đầu tháng 11 âm lịch trà bạch bắt đầu nở, riêng trà đỏ thường nở vào tháng 12.

“Chỉ tính riêng thời gian đeo nụ cũng tầm 6-7 tháng rồi mới nở, trong một năm người ta chỉ có cơ hội nhìn hoa trà khoe sắc vào dịp Tết. Phải chăng đây cũng là lời nhắc nhở mọi người cần kiên trì, không nên từ bỏ mục tiêu của mình. Muốn thành công phải trải qua những đắng cay, thất bại, không ngừng nỗ lực mới có thành quả ngọt ngào”, anh Biên nói.

Ngoài ra, cây trà có yêu cầu rất cao về cách thức chăm sóc và không gian sinh sống nên khách đặt mua trước thường nhờ nhà vườn chăm sóc hộ đến cận Tết mới chở về. Lý do, cây trà có bộ rễ khá yếu và mỏng, các nghệ nhân thường phải nghiên cứu kỹ trong việc tạo thế đứng của cây. Ngoài việc hợp với phong thủy, người chăm còn phải lưu ý về mức độ ánh sáng nên các nhà vườn thường lắp màn che để điều tiết nắng.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng