Bỏ làm gạch, nuôi gà đệm lót sinh học mà khấm khá

Thứ 3, 10/02/2015 | 11:08 GMT+7

Từ bỏ nghề làm gạch vì môi trường ô nhiễm, ông Lê Duy Đức (SN 1957, trú xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) chuyển sang nuôi gà đệm lót sinh học kết hợp thả vườn. Nhờ vào hướng đi mới này, ông Đức thu về 300 triệu mỗi năm.

Xem thêm: >>> Kỹ thuật chăn nuôi heo dùng đệm lót sinh học

Bỏ làm gạch, nuôi gà đệm lót sinh học mà khấm khá

Trang trại nuôi gà đệm lót sinh học kết hợp thả vườn giúp ông Đức thu về 300 triệu mỗi năm.

Ông Đức cho biết: “Sản xuất gạch có lời thật nhưng ô nhiễm môi trường nên tôi muốn chuyển sang chăn nuôi. Đầu năm 2009, tôi thuê đất trống trong rừng với diện tích 4.000 m2 để mở trang trại nuôi gà. Chân ướt chân ráo vào nghề tôi tự tìm hiểu những người đi trước rồi học hỏi dần dần. Sau khi tham khảo thị trường, tôi chọn giống gà Kiến Thùng tại Bình Định vì giống này sinh trưởng tốt có khả năng chống bệnh tật cao. Ban đầu thì tôi nuôi thử nghiệm chỉ chừng vài trăm con, hiện tại thì trang trại của tôi có 18 ngàn con, cung ứng cho thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng”.

Nhận thấy mô hình nuôi gà của ông Đức đạt hiệu quả, năm 2013 Huyện ủy và UBND huyện Thăng Bình (Quảng Nam) tổ chức cho ông tham quan các mô hình nuôi gà thành công tại Hà Nội để học hỏi thêm kinh nghiệm. Ngay sau chuyến đi, ông Đức mày mò áp dụng phương thức đệm lót sinh học cho trang trại của mình. Nhờ vậy mà đàn gà của ông sinh trưởng nhanh, hạn chế bệnh lại ít tốn công vệ sinh chuồng trại.

“Lợi đầu tiên khi tôi áp dụng phương thức này là không còn mùi phân gà. Lót đệm sinh học chi phí thấp, dễ áp dụng, người nuôi lại khỏe trong khâu dọn dẹp. Vì thế đàn gà phát triển rất nhanh và ít gặp bệnh. Đặc biệt, tôi không còn phải lo kinh phí để giảm thiểu ô nhiễm” - ông Đức chia sẻ.

Khác với nhiều trang trại nuôi gà lót đệm sinh học khác, ông Đức cho đàn gà của mình tự do đi rong trong vườn. Cổng chuồng luôn được mở thông thoáng, muốn tránh mát hay khát nước thì đàn gà có thể vào chuồng. Theo ông Đức, thông thường sau 3 tháng nuôi, gà đạt khoảng 1,7 kg/con, tùy theo giá cả thị trường nhưng trung bình ông bán với giá 70.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi 300 triệu đồng/năm. Ông Võ Huấn - Chủ thịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình nhận xét: “Lê Duy Đức là một trong những hộ nông dân tiêu biểu của huyện. Từ mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học cộng với thả vườn của ông, nhiều hộ chăn nuôi khác đã học hỏi làm theo thoát nghèo, vươn lên làm giàu”. 

Nguồn Dân Việt

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nông dân làm giàu


TOP VIEW