Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Người truyền lửa cho nông dân làm giàu

Tưởng nghỉ hưu sẽ không làm gì liên quan đến nghề dạy học nữa, chuyên tâm thực hiện ước mơ trồng lan cảnh của mình, nhưng không, bà lại một lần nữa làm giảng viên. Những học viên đặc biệt lần này của bà là các chị nội trợ, anh nông dân… nghèo nhưng ham làm giàu từ cây hoa lan. Bà Lê Thị Mỹ Phước, chủ vườn lan Phước Lộc Thọ, ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, lại “đứng lớp” dạy cách trồng, chăm sóc lan không công cho nông dân.

Người truyền lửa cho nông dân làm giàu

“Cái duyên đến với cây hoa quả thật bất ngờ! Năm 2000, học trò tặng tôi hai giò lan. Thấy cây ra hoa đẹp, có thể để chơi được cả tháng chưa tàn nên tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu cây lan và mê loại hoa quý tộc này khi nào không hay. Càng chuyên sâu về lan, tôi nhận ra khí hậu, thổ nhưỡng vùng Hóc Môn rất phù hợp với cây Hoa lan Mokara. Sẵn có kiến thức khoa học, lại nghe ở đâu có vườn lan lớn là tôi lân la tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đầu tiên, tôi phát triển và trồng lan Ngọc Điểm, sau đó chuyển qua Dendro và cuối cùng là chọn Mokara”- bà Mỹ Phước nhớ lại.

Đến năm 2002, vườn lan Mokara bắt đầu cho thu nhập. Bà nhẩm tính, trong các loại cây nông nghiệp thì lan là loại mang lại thu nhập ổn định và cao nhất. Nếu đầu tư 1.000m2 đất, sẽ trồng được 6.000 gốc Mokara, tốn 300 triệu đồng tiền cây giống và 200 triệu đồng phí xây dựng. Sau một năm, mỗi cây lan cho 10-15 cành, mỗi tháng, người ta có thể bỏ túi hơn 20 triệu đồng. Nếu làm chủ được lan thì không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn có thể tự làm giàu. Nghĩ vậy, bà quyết định truyền nghề cho các hộ nông dân quanh vùng.

Để nông dân hiểu bài, bà lên giáo án không nặng về lý thuyết, mà tất cả đều xuất phát từ thực tế. Ngỡ rằng tất cả sẽ chỉ dừng lại ở việc định hướng nghề nghiệp, nhưng bà tiếp tục đồng hành cùng họ vươn lên làm giàu. “Nhiều anh chị nông dân tâm sự rằng mình có đất, có nhân công nhưng không có vốn nên muốn làm kinh tế cũng đành bó tay. Thấy vậy, tôi “tiếp sức” cho họ bằng cách tặng cây giống, hướng dẫn họ vay vốn, giúp họ cả đầu ra sản phẩm…” - bà Phước tâm sự.

Ngoài truyền nghề trồng lan, bà còn dạy thêm cho nông dân nghề trồng nấm bào ngư và nấm linh chi. Theo bà Phước, nông dân mình còn nghèo lắm, phải “hai tay hai nghề” mới yên tâm. Lỡ lan gặp khó đã có nấm cứu nguy. Lo xa là vậy, nhưng giờ có nhiều hộ nông dân trong vùng được bà truyền nghề phát triển cây hoa lan, trồng nấm thoát nghèo, thu nhập ổn định 1 – 2 triệu đồng/ngày.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng