I. THIẾT KẾ CẢI TẠO AO NUÔI CÁ BỐNG TƯỢNG, CÁ CHÌNH
1. Xây dựng ao nuôi
- Ao nuôi nên xây dựng vùng đất ít bị nhiễm phèn, gần nguồn nước để cấp và thoát nước dễ dàng.
- Vị trí của ao ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng và gần nhà để tiện chăm sóc, quản lý.
- Thiết kế ao hình chữ nhật, chiều dài gấp 2-3 lần chiều rộng, bờ bao chắc chắn, không bị sạt lỡ. Diện tích 200 - 500m2, độ sâu mực nước ao là 1,5- 2m.
2. Cải tạo ao nuôi
- Ao cũ:
Trước mùa vụ nuôi, ao được tháo cạn nước, vét bùn đáy ao, lớp bùn đáy ao không dày quá 15cm, tu sửa bờ bao, san lấp các hang hốc. Khi mặt đáy ao còn ẩm tiến hành bón vôi CaO (vôi đá) từ 7 – 10kg/100m2. Phơi đáy ao nứt chân Chim thì tiến hành cấp nước vào qua túi lọc bằng vải Katê, đạt mực nước 1,5m - 2m. Kiểm tra pH nước đạt 7- 8 thì tiến hành bón phân gây màu bằng phân vô cơ DAP + Urê (tỷ lệ 1:1) với liều lượng 2-3 kg/1.000 m2. Sau khi bón phân, khoảng 5-7 ngày thấy nước có màu xanh vỏ đậu (độ trong 40-50 cm thì tiến hành thả giống.
- Ao mới đào:
Sau khi đào ao xong, cần tháo rữa nhiều lần (nếu ao bị nhiễm phèn nhiều). Các bước còn lại chuẩn bị như ao cũ.
II- KỸ THUẬT NUÔI CÁ BỐNG TƯỢNG, CÁ CHÌNH
1. Chọn giống và thả giống
a) Mùa vụ:
Mùa vụ nuôi cá chình có thể quanh năm, nếu có nguồn giống tốt và đủ nguồn nước sạch để cung cấp trong suốt quá trình nuôi.
b) Chọn giống:
Cá bống tượng, cá chình khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắctươi sáng, bơi lội linh hoạt, cơ thể không xây xát, dị tật,...
+ Đối với các bống tượng: chọn cá đồng cỡ: 50 - 70g/con, 80 – 100g/con, 110 – 150g/con, 160 – 200g/con.
+ Đối với cá chình: Chọn cá có trọng lượng trung bình 35 – 50g/con
c) Thả giống:
Thả giống lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cá mới mua về trước khi thả cần tắm qua dung dịch muối có nồng độ 2% trong thời gian 5-10 phút hoặc thuốc tím (KMnO4) 20g/m3 nước với thời gian từ 15 - 20 phút (có sục khí) để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển. Mật độ thả: 1 – 2con/m2.
2. Chăm sóc, quản lý
2.1. Chăm sóc
+ Đối với cá bống tượng:
- Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại tôm, tép, cá tạp còn tươi. Cá tạp bỏ ruột và đầu, rữa sạch, cắt nhỏ vừa miệng cá.
- Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày bằng 3 – 5% tổng trọng lượng đàn cá trong ao. Cho cá ăn ngày 1-2 lần (sáng sớm và chiều mát), thức ăn cho vào sàng đặt cố định trong ao. Sau khi cho cá ăn khoảng 30 phút đến 1 Giờ kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng cá ăn mồi, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp.
- Nên vệ sinh sàng ăn sau mỗi lần cho ăn để tránh Nấm, sinh vật kí sinh, vi khuẩn bám có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cá.
- Nếu có điều kiện thì nên thay nước định kỳ 15-20 ngày để duy trì chất lượng nước ao, lượng nước thay bằng 20 – 30% lượng nước trong ao/1 lần thay.
- Nếu không có đủ nguồn nước tốt để thay thì nên định kỳ 15 – 20 ngày sử dụng chế phẩm sinh học 1 lần để làm giảm ô nhiễm nguồn nước ao.
+ Đối với cá chình:
Là loài ăn tạp, thiên về động vật, vì vậy thức ăn cho cá chình bao gồm: giun, ếch, nhái, cá tạp.
- Cho cá ăn mỗi ngày 1 - 2 lần vào lúc 6 – 7 giờ sáng và 5 – 6 giờ chiều. Lượng thức ăn bằng 5 – 10% tổng trọng lượng đàn cá có trong ao/ngày. Thức ăn được cho vào sàng đặt cố định trong ao, cứ 20m2 ao đặt 1 sàng ăn.
- Khi cá đạt trọng lượng 120 – 200gr/con, lượng thức ăn cho ăn giảm xuống còn 5 – 7% tổng trọng lượng đàn cá/ngày.
- Khi cá đạt 400g trở lên, lượng thức ăn bằng 3 -5% tổng trọng lượng đàn cá trong ao/ngày.
- Định kỳ kiểm tra sinh trưởng của cá (10 - 15 ngày/lần) để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Sau 3 giờ cho ăn, nâng sàng lên xem còn thức ăn hay không, nếu còn nhiều thì giảm lượng thức ăn cho lần sau. Tránh để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nước ao nuôi.
- Sàng cho cá ăn phải được rữa sạch và phơi khô sau mỗi lần ăn.
2.2. Quản lý môi trường
- Hàng ngày theo dõi các yếu tố môi trường nước (pH, nhiệt độ, độ trong, ôxy hòa tan) và điều chỉnh kịp thời về ngưỡng thích hợp.
- Thường xuyên kiểm tra bờ bao, ống bọng, lưới rào và tu sửa kịp thời tránh cá thoát ra ngoài.
- Nếu có nguồn nước tốt và sạch nên định kỳ 15 - 20 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay 20 - 30% lượng nước có trong ao.
- Nếu không đủ nguồn nước thay nên định kỳ 15 - 20 ngày sử dụng chế phẩm sinh học một lần nhằm làm giảm ô nhiễm nguồn nước ao nuôi.
3. Thu hoạch
- Cá bống tượng: Sau 9-10 tháng nuôi cá có thể đạt cỡ thương phẩm (400-800g/con) thì tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên, trong cùng ao nuôi kích cỡ cá không đều, nên thu hoạch cá đạt kích cỡ thương phẩm, còn cá nhỏ để lại nuôi tiếp.
- Cá chình: Khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu bằng cách kéo lưới và tát cạn ao bắt hết lượng cá còn sót lại. Chọn thời điểm thu hoạch lúc nhu cầu thị trường cần và có giá cao. Cá sau khi thu hoạch phải được rửa sạch, thả vào túi chứa nước sạch và bơm ôxy để chuyển đi tiêu thụ ở dạng cá sống.
>>>Xem thêm:
- Thủy sản nước ngọt
- Thủy sản