Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Một số bệnh thường gặp ở cá bống tượng

Do môi trường sinh sống mà loài cá bống tượng dễ dàng gặp một số bệnh sau đây. Cùng xem và tham khảo bài viết:

Cá Bống tượng

1. Bệnh đốm đỏ hay bệnh lở loét

- Nguyên nhân: Do cơ thể bị xây xát tổn thương, các loại vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào những vết thương gây bệnh lở loét.

- Triệu chứng: Trên thân có những đốm đỏ hay vết loét. Cá bỏ ăn, bơi lội lờ đờ, chậm chạp, khi bệnh nặng hậu môn của cá bị viêm loét, xuất huyết vây bụng, bụng tích nước trương phồng lên.

- Phòng bệnh: Tắm cá bằng Formol (25ml/m3), giữ môi trường nước ao nuôi cá trong sạch và thay nước thường xuyên.

- Trị bệnh: Dùng Osamet Fish (10 – 20g trộn vào 1 kg thức ăn) cho cá ăn liên tục 7 ngày. Cũng có thể tắm cho cá bằng nước muối với nồng độ 2-3% trong thời gian 3 – 5 phút, có thổi khí.

2. Bệnh tuột nhớt

- Nguyên nhân: Bệnh chưa rõ nguyên nhân, có thể là do cá bị xây xát, từ đó vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng xâm nhập gây nên bệnh này.

- Triệu chứng: Khi mới phát bệnh, đuôi cá có vệt màu trắng, sau đó lan dần khắp cơ thể, toàn thân có màu trắng do vẩy và da bị trốc ra. Khi bệnh nặng cá cắm đầu xuống dưới sau thời gian thì chết.

- Phòng bệnh: Quản lý tốt các yếu tố môi trường, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học 15-20 ngày/lần.

- Trị bệnh: Tắm cho cá bằng Iodine (2g/m3), dùng Osamet Fish (10 – 20g trộn vào 1 kg thức ăn) cho cá ăn liên tục 7 ngày.

3. Bệnh ký sinh trùng

Bệnh ký sinh trùng bao gồm có nội ký sinh và ngoại ký sinh, bệnh hầu như xuất hiện quanh năm.  Bệnh do ký sinh trùng thường gặp trên cá nuôi bao gồm:

a. Bệnh trùng mỏ neo

- Tác nhân gây bệnh: Trùng gây bệnh có tên Lernaea, có dạng giống mỏ neo, cơ thể có chiều dài 8-16mm, giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá.

- Triệu chứng: Cá nhiễm bệnh giảm ăn, gầy yếu, chung quanh các chỗ trùng bám viêm và xuất huyết. Nơi trùng mỏ neo bám  là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

- Tác hại và phân bố bệnh: Bệnh gây tác hại lớn cho cá giống và cá hương. Trùn mỏ neo thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt, ... trên các loài cá như: cá chình, cá lóc bông, cá bống tượng, cá chép, cá mè, cá tai tượng…

- Phòng bệnh: Kiểm tra cá trước khi thả nuôi, nếu phát hiện có trùng mỏ neo ký sinh dùng thuốc tím 10-25gr/m3 tắm trong một Giờ.

- Trị bệnh:

+ Dùng lá xoan (cây sầu đâu tây) liều lượng 0,3 - 0,5kg/m3 nước.

+ Hoặc sử dụng Hadaclean A trộn vào thức ăn theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất để điều trị.

b. Bệnh rận cá

Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường tập trung vào mùa mưa. Giai đoạn còn nhỏ, chỉ cần 1-2 con rận ký sinh là có thể làm cá chết. Cá chình có tập quán sống chui rúc nên rất dễ bị rận cá tấn công.

Phòng và trị rận: bằng cách vệ sinh môi trường trước khi nuôi cá bằng vôi bột. Khi thấy có rận bám vào cá, cần tắm cho cá bằng thuốc tím trong một giờ, hoặc phun thuốc trực tiếp vào ao nuôi với liều lượng 20-25 g/m3 nước, cần kiểm tra độ pH của nước, tạo môi trường kiềm sẽ hạn chế rận cá.

c. Bệnh nấm thủy mi

- Tác nhận gây bệnh: Do 2 giống nấm là Saprolegnia và Achlya.

- Dấu hiệu bệnh lý: Trên da cá xuất hiện những vùng trắng xám, có những sợi nấm nhỏ nhìn trong nước giống như sợi bông trên thân cá.

- Phân bố và lan truyền bệnh: Các giai đoạn phát triển của các loài cá nước ngọt, baba, ếch... đều có thể nhiễm nấm khi nuôi với mật độ dày. Nhiệt độ nước 18-25oC, thích hợp cho nấm phát triển.

- Chẩn đoán bệnh: Nhìn bằng mắt thường có thể thấy các sợi nấm nhỏ như sợi bông, mềm, tua tủa.

- Phòng bệnh: Áp dụng các giải pháp phòng bệnh tổng hợp.

- Trị bệnh:

+ Nếu cá có vết thương có thể bôi trực tiếp dung dịch iodine.

+ Muối: 25 - 30kg/m3/10 - 15 phút hoặc 10 - 15 kg/m3/20 phút, hoặc 2 - 3kg/m3 không giới hạn thời gian.

+ Dung dịch thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 100gr/m3 thời gian kéo dài cho đến khi cá xuất hiện sốc.

d. Bệnh trùng bánh xe

- Nguyên nhân: Do trùng bánh xe Trichodina ký sinh ở da và mang cá, bệnh thường phát triển vào những ngày trời không nắng, âm u hoặc mưa kéo dài.

- Triệu chứng: Màu sắc cá nhợt nhạt, thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục; đuôi, vây bị xơ mòn, bơi lội không định hướng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa.

- Trị bệnh:

+ Tắm cá: Dùng muối ăn (NaCl) nồng độ 2-3% tắm cho cá 5-10 phút

+ Phun thuốc trực tiếp xuống ao: dùng Formol : 15-25ml/ m3

f. Bệnh sán lá đơn chủ

- Tác nhân gây bệnh: Do sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus) hoặc 18 móc (Gyrodactylus) ký sinh vào da và mang cá.

- Triệu chứng: Cá bệnh thường hô hấp kém do mang và da tiết ra nhiều dịch nhờn; tổ chức da và mang bị sán ký sinh sẽ viêm loét, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số vi sinh vật khác gây bệnh.

- Trị bệnh: Sử dụng các hóa chất giống như điều trị trùng mỏ neo.

* Chú ý: Khi tắm thuốc cho cá cần phải sục khí trong khi tắm, nếu thấy cá có hiện tượng khác thường như đớp khí ở mặt nước, cá quậy hỗn loạn hay nhảy lên khỏi dụng cụ chứa thì phải vớt cá ra ngay.

>>>Xem thêm:   Kỹ thuật nuôi cá chình, cá bống

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng