Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác

Ngày 30/12/2015 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT thay thế Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/04/2011 về việc chứng nhận, xác nhận thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.

Thông tư này quy định trình tự, thủ tục, nội dung xác nhận nguyên liệu Thủy sản khai thác, chứng nhận thủy sản khai thác và xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thuỷ sản khai thác nhập khẩu để xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận.

Theo quy định trong Thông tư này, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác bất hợp pháp) là một trong các trường hợp: Khai thác thủy sản mà không có giấy phép hoặc khai thác không đúng nội dung quy định trong giấy phép; Không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản theo quy định; Khai thác trong vùng cấm, trong thời gian cấm; khai thác, vận chuyển hoặc đưa lên tàu các loài thủy sản cấm khai thác; khai thác các loài có kích thước nhỏ hơn quy định vượt quá tỷ lệ cho phép; Sử dụng loại nghề, ngư cụ khai thác bị cấm hoặc không đúng quy định; Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm các quy định liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Ngăn cản, chống đối việc thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cán bộ được giao nhiệm vụ; Chuyển tải trên biển, hỗ trợ, tiếp ứng, tham gia hoạt động khai thác cùng với tàu cá khai thác bất hợp phát; Khai thác trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc gia khác mà không có giấy phép khai thác hợp lệ.

Thông tư
Phân loại sản phẩm sau khi đánh bắt

Cũng theo quy định tại Thông tư này, cơ quan thẩm quyền sẽ không xác nhận hay chứng nhận khi lô hàng có nội dung không đúng với nội dung kê khai về nguyên liệu thủy sản khai thác hoặc sử dụng nguyên liệu từ tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp. Đối với lô hàng sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu, cơ quan thẩm quyền không xác nhận nếu chủ hàng không đáp ứng quy định của nước nhập khẩu về cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu.

Ngoài ra, cơ quan thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác bất hợp pháp với các tàu cá cung cấp nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào thị trường có yêu cầu chứng nhận thủy sản khai thác. Việc kiểm tra thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất; theo nguyên tắc đánh giá nguy cơ, trên cơ sở đảm bảo việc kiểm tra không nhỏ hơn 5% tổng số lần cập cảng, bến cá trung bình trong một năm.

Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện tàu cá có hoạt động khai thác bất hợp pháp, cơ quan kiểm tra sẽ không xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác của tàu cá vi phạm kể từ ngày thông báo kiểm tra hoặc đưa tàu cá vi phạm vào danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Cùng đó, cơ quan thẩm quyền đưa tàu cá ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp khi: Tàu cá bị xóa đăng ký hoặc sau 2 năm từ ngày đưa vào danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp tàu cá không vi phạm các quy định tại Điều 4 của Thông tư này. Hoặc khi chủ tàu đã thực hiện những biện pháp khắc phục hành vi khai thác bất hợp pháp có nhu cầu đưa tàu ra khỏi danh sách này trước thời hạn theo quy định trong Thông tư.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 và thay thế Thông tư số 28/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/4/2011 của Bộ NN&PTNT quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

>>> Tiêu chuẩn - Quy chuẩn

Nguyễn Đức Hùng Chi cục Khai thác & BVNLTS

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng