Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Người trồng gừng khốn đốn ôm cục nợ

Thời gian qua, nhiều nông dân Tây Nguyên đã ký hợp đồng liên kết trồng gừng với Cty CP Xuất khẩu Nông sản sạch VN với những điều khoản tưởng như béo bở, có thể thu lợi nhuận cao. Thế nhưng khi gừng bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt Cty “lặn mất tăm”, bỏ nông dân “cay mắt” vì ôm cục nợ.

Tháng 5/2017, ông Đèo Minh Thiện, SN 1961, thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) ký hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Cty nông sản, vốn chuyên cung cấp giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật theo hướng liên kết sản xuất nông sản sạch xuất khẩu, có địa chỉ tại số 27 Phan Đăng Lưu, TP. Buôn Ma Thuột.

>>> Xem thêm: Gừng chết hàng loạt, nông dân Gia Lai trắng tay

Người trồng gừng khốn đốn ôm cục nợ

heo hợp đồng, Cty cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ gừng củ với giá 18.000 đồng/kg; nông dân chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc gừng. Chi phí đầu tư trồng 10.000 bầu gừng hết 218 triệu đồng, Cty hỗ trợ một nửa, số còn lại nông dân phải trả đủ cho Cty.

Sau 9 tháng trồng, sản lượng gừng thu về ít nhất là 25.000 kg, trừ tiền đầu tư, nông dân lãi hơn 300 triệu. Con số này đối với nông dân là quá lớn nên nhiều người khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên thực tế không như vậy. Ông Thiện kể: Thời gian đầu xuống giống, gừng phát triển tốt, đến tháng thứ 4 bỗng dưng bị vàng lá. Gia đình gọi điện báo, Cty cho cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, hướng dẫn bỏ thuốc vài ba lần nhưng bệnh càng nặng, thối cả rễ lẫn củ. Từ đó, Cty “lặn mất tăm”, gọi điện không được, tìm đến trụ sở thì cửa đóng then cài.

Nhìn hàng nghìn bầu gừng từng ngày úa chết, ông Thiện xót xa cả cõi lòng. Diện tích đất nhà ông Thiện trước đây trồng rau rừng cho thu nhập ổn định, nghe quảng cáo trồng gừng vừa khỏe mà thu lời cao nên phá bỏ trồng gừng, giờ thì nay bỗng dưng ôm cục nợ.

Theo ông Nguyễn Văn Niên 43 tuổi, thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (Gia Lai) khi gừng bị bệnh, người dân liên hệ với Cty để xin hỗ trợ thuốc trị. Lúc đầu Cty cấp một ít thuốc, sau đó bảo bà con tự mua về điều trị. Ông Nguyễn Văn Thảo 44 tuổi, huyện Ia Grai, cho biết đã mua đủ loại thuốc về trị nhưng 13.000 bầu gừng cứ “đua” nhau chết. Tính cả tiền phân, giống, công cán… hết 200 triệu đồng, số tiền này ông vay ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, SN 1961, thôn Đức Hà, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Cty cũng bị chết gần hết, bức xúc nói, từ ngày xuống giống, nông dân tuân thủ theo quỳ trình, trồng chăm sóc do Cty đưa ra. Giờ gừng chết, Cty đổ do thời tiết để phủi bỏ trách nhiệm. Trong khi hợp đồng nêu rõ: Khi gặp sự cố thiệt hại về gừng, trong 5 tháng đầu mà gừng bị bệnh, chết thì bên A (tức Cty) sẽ cung cấp thêm giống, phân thuốc cho bên B (tức nông dân) trồng lại và bên B sẽ không phải bỏ thêm chi phí nào. Ông Quảng cho biết, nếu Cty "bỏ rơi" nông dân thì sẽ nhờ pháp luật can thiệp.

Không riêng các hộ dân nói trên mà nhiều hộ dân các tỉnh Tây Nguyên cũng mắc nợ khi vướng vào dự án liên kết trồng rừng. Tuy nhiên, Cty ký kết trực tiếp với nông dân, khi xảy ra sự cố bà con cũng loay hoay tự chữa trị, không báo xã nên không nắm rõ con số cụ thể.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng