Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Hiệu quả kinh tế nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), thông qua các dự án, chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của huyện, tỉnh, người dân tự tìm kiếm học hỏi đến nay nông dân trong xã đã biến một vùng thuần túy trồng cây lương thực trước đây trở thành vùng trồng cây lương thực, rau, màu, cây ăn quả đa canh gồm: Lúa, ngô, đậu đỗ, rau su hào, bắp cải, cà chua, nắc này, mướp, bí, dưa… Xã đã trồng được 70ha rau xanh, 70ha cây ăn quả, màu khác, trong đó có khoảng trên 30ha táo. Nhiều diện tích canh tác khi chuyển từ trồng các cây lương thực, đậu đỗ thuần túy sang trồng rau, cây ăn quả đã nâng thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/ sào, tương đương trên 200 triệu đồng/ha, cao gấp hai lần so với trồng lúa, ngô.

>>> Xem them: Tìm hiểu kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật
 

Hiệu quả kinh tế nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi

Đi đôi với trồng trọt, các hộ còn chú trọng phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, trâu bò, chim bồ câu, nuôi thả cá. Hơn một năm nay, do tác động thị trường đàn lợn, gia cầm tuy có giảm nhưng xã vẫn có trên 4.000 con lợn, 40 ngàn gia cầm, 700 con trâu bò và gần 80ha nuôi thủy sản. Không chỉ chú trọng vào phát triển các loại vật nuôi truyền thống, một số hộ còn mở rộng nuôi con đặc sản như chim bồ câu, ong lấy mật, gần đây là bò sữa. Hiện nay xã có đàn bồ câu trên 2.000 con, trên 600 đàn ong, hơn chục con bò sữa mang lại lợi nhuận khá.
 
Huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đầu tư về giống, phân bón và kỹ thuật cho nông dân. Huyện thực hiện các mô hình chuyển đổi với quy mô trên 100 ha, tổng kinh phí hơn 4,9 tỷ đồng. Trong đó, mô hình trồng rau an toàn tại thị trấn Hàng Trạm với quy mô 0,7 ha, sau khi thu hoạch trừ chi phí thu lãi được gần 4 triệu đồng/sào. Mô hình trồng bí xanh an toàn thực phẩm với quy mô 15 ha tại các xã Bảo Hiệu, Hữu Lợi và Phú Lai cho năng suất đạt 25 tấn/ha, giá bán 6.000 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 80 triệu/ha. Mô hình trồng bí đỏ an toàn quy mô 5 ha cho lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Mô hình trồng cam an toàn thực phẩm 5 ha, mô hình trồng bưởi Diễn an toàn thực phẩm 5 ha và mô hình trồng bưởi Diễn cải tạo vườn tạp 15 ha hiện cây đang sinh trưởng khá tốt, phân cành cấp 2. Ngoài ra có 3 mô hình trồng mía ứng dụng khoa học kỹ thuật và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, đó là mô hình hỗ trợ chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu; mô hình trồng mía tím nuôi cấy mô để cải tạo mía tím; mô hình trồng mía nguyên liệu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và mô hình trồng thâm canh cây khoai sọ vụ đông xuân - lúa mùa…
 
Đến nay, cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Yên Thủy từng bước chuyển dịch trên cả 2 mặt: Chuyển đổi thành công các loại giống mới như khoai sọ nuôi cấy mô, mía tím nuôi cấy mô, bưởi Diễn, bưởi da xanh, măng tây… và chuyển đổi loại cây trồng như tăng diện tích cây có múi, cây họ bầu, bí, dược liệu. Hiện Yên Thủy đã có 440 ha bưởi; bí xanh 490 ha. Nhiều mô hình được nhân ra diện rộng đã tạo sự đột phá trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác.
 
Huyện Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những mô hình, vùng sản xuất riêng biệt theo điều kiện từng địa phương. Đồng thời chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cơ sở đầu tư về giống cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, sản xuất sạch.
 
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện trước đây chỉ đạt từ 60 – 80 triệu đồng/ha/năm, thì sau chuyển đổi giá trị các mô hình đã tăng lên từ 2 – 20 lần. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt liên tục tăng qua các năm, sau chuyển đổi, giá trị sản xuất trung bình đạt từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm.
 
Đối với vùng trồng rau, sản xuất đang đi theo hướng sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đạt giá trị từ 600 – 800 triệu đồng/ha/năm. Vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện với diện tích 769,8ha, hiện có nhiều loại quả được thị trường ưa chuộng như bưởi, cam, chuối, táo… giá trị kinh tế đạt trên 500 triệu/ha/năm.
 
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đây là tiền đề để các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết; hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng