Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Thu nhập khá từ mô hình xen canh cây dược liệu

Bằng phương pháp hỗ trợ trồng xen canh cây dược liệu đảng sâm trên đất rẫy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã giúp nhiều hộ đồng bào Cơ Tu ở xã biên giới Ch'Ơm (huyện Tây Giang) có hướng đi mới, phù hợp trong việc áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế từ cây bản địa, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Nâng cao năng suất

Ông Alăng Lơ - Trưởng thôn Achoong (xã Ch'Ơm) đưa chúng tôi đến khu đất rẫy phía cuối làng, nơi có những vườn đảng sâm xanh mởn, xen lẫn những hàng bắp dọc theo chân núi. Ông Lơ nói, đây là mô hình trồng cây bắp nếp xen đảng sâm được người dân địa phương triển khai từ gần 2 năm nay, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ dự án. Sau thời gian trồng thử nghiệm, qua phân tích, kết quả sinh trưởng cây trồng, bao gồm cả bắp và đảng sâm đều rất tốt với năng suất khá cao, giúp tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Thôn Achoong, trước đây hơn 30 hộ đồng bào Cơ Tu chỉ trồng dược liệu đảng sâm một cách tự phát, với diện tích manh mún, nhỏ lẻ khiến việc chăm sóc và quản lý gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, do tâm lý dựa vào tự nhiên, nhiều diện tích trồng sâm bị hư hại, khả năng thích ứng với thời tiết khí hậu hạn chế, khiến năng suất rất thấp. "Kể từ khi chuyển đổi cách trồng theo mô hình xen canh đã khắc phục dần những hạn chế trước đây, giúp chất lượng và năng suất cây trồng ngày càng nâng cao rõ rệt. Đến nay, cả thôn có khoảng gần 50ha diện tích trồng đảng sâm, với khả năng sinh trưởng, phát triển khá đồng đều" - Trưởng thôn Alăng Lơ nói.

>>> Xem thêm: Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi làm giàu

Thu nhập khá từ mô hình xen canh cây dược liệu

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Thương, qua 2 năm (2016 - 2017) triển khai mô hình xen canh này, bước đầu đã cho thấy kết quả sinh trưởng và năng suất khá cao. Cụ thể, bắp nếp lai MX4 cho năng suất trung bình 4,7 tấn/ha (cao hơn bắp nếp trồng thuần truyền thống của đồng bào địa phương 10 tạ/ha) và năng suất đảng sâm đạt 1,2 tấn/ha (cao hơn đảng sâm trồng đại trà của người dân 1 tấn/ha). Ngoài ra, giống bắp nếp lai MX4 có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện sản xuất ở huyện Tây Giang và hoàn toàn sinh trưởng, phát triển tốt trên chân đất rẫy, đồi núi cho năng suất cao; trong khi mô hình bắp nếp xen đảng sâm cũng cho kết quả tương tự, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,8 lần so với sản xuất đại trà của người dân miền núi trước đây. "Từ kết quả khả quan trong việc áp dụng mô hình trồng xen canh bắp lai với đảng sâm ở Achoong, Đhung và Rú, chúng tôi đang tiếp tục nhân rộng thêm ở một số điểm thôn, nhằm tạo điều kiện giúp đồng bào Cơ Tu có cơ hội tiếp cận với phương thức sản xuất mới từ cây dược liệu sẵn có. Qua đó, nhằm từng bước thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất nà, đất rừng bỏ hoang, đất nương rẫy cũ hoặc đất rẫy mới sang trồng xen canh cây dược liệu, vừa giúp nâng cao thu nhập trên diện tích đất trồng, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho đồng bào vùng cao" - ông Thương nói.

Mở hướng thoát nghèo

Hỗ trợ vườn ươm cây giống đảng sâm tại chỗ cho xã Ch’Ơm

Ông Lê Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay, nhằm chủ động nguồn giống cây đảng sâm đạt chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân miền núi, đơn vị vừa hỗ trợ triển khai mô hình vườn ươm cây giống đảng sâm tại xã Ch’Ơm, theo phương pháp chuyển giao công nghệ.

Theo đó, vườn ươm này có quy mô 500m2, đảm bảo trang thiết bị cần thiết như: lưới che, dây kẽm, trụ, máy bơm, máy móc thiết bị, vật dụng, các thiết bị tưới và chế phẩm Trichoderma, tiêu chuẩn CFU 109. Tổng kinh phí đầu tư hơn 106 triệu đồng; sau khi hoàn thiện, mỗi năm vườn ươm này cho sản xuất được khoảng 50.000 - 55.000 cây giống, cung ứng cho thị trường lân cận.

Là đơn vị kết nghĩa với xã Ch'Ơm, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ đồng bào Cơ Tu trong việc tiếp cận, chuyển giao kỹ thuật công nghệ và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Từ các mô hình này, đã giúp nhiều hộ đồng bào có cơ hội tiếp cận, đổi mới phương thức và tư duy trong lao động sản xuất truyền thống sang hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Theo bà Nguyễn Thị Bích Lợi - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), để các mô hình đạt được kết quả cao, ngoài phối hợp UBND xã Ch'Ơm tổ chức triển khai chọn địa điểm và hộ tham gia đáp ứng các tiêu chí và năng lực dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn trực tiếp hỗ trợ tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân, theo dõi chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng cụ thể.

Qua khảo sát cho thấy, chất lượng cây trồng phát triển vượt trội so với thời điểm trồng truyền thống trước đây, năng suất trung bình đảng sâm khoảng 1,2 tấn/ha; bắp lai đạt gần 13 tấn/ha. "So với bắp nếp sản xuất đại trà của người dân địa phương trên cùng chân đất, chi phí đầu tư của mô hình cao hơn 3,8 triệu đồng/ha. Dù vậy, tổng thu của mô hình đạt 23,5 triệu đồng/ha cao hơn so sản xuất tại địa phương gấp 1,27 lần (tức 18,5 triệu đồng/ha) và tăng 5 triệu đồng/ha, thu về lãi ròng 13,5 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đảng sâm cũng cho kết quả khả quan, với tổng thu đạt 180 triệu đồng/ha, lãi ròng đạt hơn 75 triệu đồng/ha và cao hơn 26 triệu đồng/ha so với phương pháp trồng truyền thống. “Hy vọng, mô hình này sẽ là cơ hội giúp đồng bào mở hướng thoát nghèo, hình thành nên các sản phẩm hàng hóa, từng bước tiếp cận thị trường và đem lại thu nhập ổn định cho người dân miền núi” - bà Lợi cho hay.

Chủ tịch UBND xã Ch'Ơm - ông Hồ Đắc Vinh cũng bày tỏ kỳ vọng từ hiệu quả mang lại của mô hình trồng cây bắp lai xen với đảng sâm tại địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, nếu năng suất các mô hình trồng cây dược liệu được duy trì như hiện nay, cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân miền núi là điều có thể đặt niềm tin trong tương lai gần.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng