Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Mô hình trồng xen cây họ đậu vào vườn cao su

Trồng xen cây họ đậu tốt cho vườn cao su. Các loại cây họ đậu trồng xen được bà con chọn trong mô hình này thường là đậu nành, đậu phụng, đậu cô-ve, đậu Hà Lan (đậu boa, đậu nàng Tàu), đậu đũa, đậu ván, đậu rồng, củ sắn (củ đậu)...

Với một chu kỳ sản xuất của cây cao su kéo dài khoảng 20-30 năm, suốt quá trình Canh tác trên mô hình độc canh này người ta nhận ra rằng mặc dù lợi ích sinh ra từ cây cao su là không nhỏ nhưng chi phí đầu tư cho vườn cây cũng khá lớn. Nhất là thời gian mấy năm đầu, cây cao su chủ yếu sinh trưởng chứ không sinh lợi.

Xem thêm: >>> Mô hình trồng rau sạch tại nhà với chi phí thấp

Mô hình trồng xen cây họ đậu vào vườn cao su

Nhằm khắc phục khuyết điểm này của các mô hình độc canh cây cao su, gần đây các nông trường và các vườn cao su tiểu điền đã sử dụng một số giải pháp như: chọn và sử dụng các giống cây có thời gian KTCB ngắn hơn, tìm các biện pháp kỹ thuật thúc đẩy cây về sinh trưởng, trồng xen các loại cây ngắn ngày vào vườn cây KTCB nhằm tạo ra nguồn thu phụ.

Ở một số nơi như tại các tỉnh miền Đông Nam bộ hoặc khu vực Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy nhiều bà con thường cho trồng xen vào vườn cây các loại cây họ đậu bởi đơn giản do chúng ít tốn kém kinh phí đầu tư, dễ trồng, nhanh chóng tạo ra nguồn phụ thu, vừa tạo thảm phủ.

Đáng chú ý, việc trồng xen bằng cây họ đậu còn tạo ra một số hiệu quả cải tạo đất như giúp che phủ mặt đất trong thời gian cây cao su đang trong giai đoạn sinh trưởng, giúp chống xói mòn, diệt cỏ dại (không cần dùng thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm môi trường), góp phần cải tạo đất, tăng nguồn đạm trong đất do có các nốt sần ở rễ cây họ đậu chứa nhiều vi khuẩn cố định đạm (rhizobium).

Mô hình cây cao su trồng xen cây họ đậu là một trong những giải pháp khá hiệu quả đối với vấn đề giảm bớt chi phí đầu tư khá cao cho cây cao su trong những năm đầu. Đất trồng cao su trong giai đoạn KTCB nếu không có biện pháp canh tác, che ủ thích hợp cũng dễ bị thoái hóa do tình trạng rửa trôi hoặc quá lạm dụng phân bón hóa học… Do đó, việc trồng xen cây họ đậu không những góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân trồng cao su thời kỳ KTCB, mà còn tạo điều kiện để cây cao su sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Xác bã cây họ đậu là nguồn phân hữu cơ quý giá giúp cải tạo đất được phì nhiêu và giữ chất phân hóa học bón cho cây tốt hơn; tạo được nguồn phân bón tự nhiên, giúp giảm được một số lượng lớn phân đạm cần phải bón cho cây cao su (giảm được từ 50 – 100 kg urê/ha) nhưng việc lạm dụng bón phân đạm cũng dễ gây tác dụng phụ chẳng hạn như gây chua đất.

Thường ở các nông trường hoặc các vườn cao su tiểu điền người ta bắt đầu cho trồng xen các loại cây họ đậu vào vườn cây cao su khi chúng được khoảng 1 năm tuổi và kéo dài cho đến hết năm thứ 3 hoặc thứ 4 vì trên nguyên tắc thì giai đoạn cây cao su đã khép tán, nếu vẫn tiếp tục trồng xen nữa sẽ không đạt hiệu quả cao.

Hơn nữa do vào thời gian này, rễ bàng của cây cao su cũng đã phát triển mạnh, lan rộng, nếu tiếp tục xen canh dễ gây tổn thương vùng rễ này, qua đó vô hình chung tạo điều kiện cho các loại nấm, sâu bệnh xâm nhập vào bộ rễ có thể làm chết cây cao su.

Các loại cây họ đậu trồng xen được bà con chọn trong mô hình này thường là đậu nành, đậu phụng, đậu cô-ve, đậu Hà Lan (đậu boa, đậu nàng Tàu), đậu đũa, đậu ván, đậu rồng, củ sắn (củ đậu)…. Chúng được trồng bắt đầu từ đầu mùa mưa (khoảng tháng 5-6 dương lịch) và thu hoạch vào cuối mùa mưa, lượng dư thừa thực vật sau khi sau khi thu hoạch (thân cây, rễ, lá…) được sử dụng ủ vào gốc cao su để giữ ẩm trong suốt mùa nắng nóng.

Nhìn chung, đây là một hình thức lấy ngắn nuôi dài, tận dụng diện tích đất trống tạo ra thu nhập ổn định trong thời gian cao su chưa thu hoạch. Là mô hình có hiệu quả kinh tế cao nên tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của từng địa phương mà chúng tôi cho rằng mọi người nên áp dụng và nhân rộng hợp
lý.

Nguyễn Sinh

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng