Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Gừng chết hàng loạt, nông dân Gia Lai trắng tay

Nỗi lo của bà con nông dân Gia Lai khi gừng trồng đột nhiên chết hàng loạt, hàng chục hộ dân rơi vào cảnh nợ nần.

Hơn 6 tháng trước, Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam và các hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai) kí hợp động trồng gừng. Gần 4 tháng quần quật chăm sóc hàng chục nghìn gốc gừng, các bà con nông dân tưởng chừng như đã nắm chắc bạc triệu trong tay. Nhưng bất ngờ, tất cả diện tích gừng bỗng nhiên bị thối lá, chết khô rồi thối củ khiến bà con trắng tay.

trồng gừng

Đầu tháng 3/2017, Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Đăk Lăk đã kí hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng với khoảng 6 đến 10 hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Theo đó, Công ty này sẽ hỗ trợ 50% tiền: giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con nông dân. Đồng thời, sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Người dân phải có trách nhiệm thanh toán trước cho công ty 50% số tiền và 50% còn lại sẽ thanh toán vào cuối vụ sau khi thu hoạch.

Trong hợp đồng cũng nêu rõ, Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng gừng của người dân. Người dân cũng phải bán lại toàn bộ sản lượng gừng đã trồng cho bên công ty. Gừng thành phẩm sẽ được cân sau khi đã đóng bao, toàn bộ sản lượng gừng khi thu hoạch sẽ được mua với giá 18.000 đồng/kg, không phân các loại.

Ngoài ra, Công ty cũng cam kết, trong 5 tháng đầu nếu gừng bị bệnh, chết thì sẽ cung cấp thêm giống, phân bón cho các hộ mà không phải bỏ thêm khoản chi phí nào. Trong trường hợp gặp rủi ro trong thiên tai hoặc các sự cố khác, gừng bị mất hết thì mỗi bên sẽ chịu thiệt hại một nửa phần đầu tư ban đầu. Công ty sẽ thanh toán toàn bộ số tiền thu mua sản phẩm bằng tiền mặt cho người dân sau mỗi lần thu mua tại vườn.

Sau khi hợp đồng được ký vào tháng 3/2017, bên Công ty đã cung cấp giống gừng, phân bón, cùng thuốc trừ sâu và cử nhân viên kỹ thuật hướng dẫn người dân như đã thỏa thuận. Còn các hộ dân trồng và chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Công ty. Trong 2 tháng đầu giống gừng phát triển rất tốt. Tuy nhiên bắt đầu sang tháng thứ 3 toàn bộ diện tích gừng có dấu hiệu vàng lá, rũ ngọn, thối gốc và chết hàng loạt.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo (44 tuổi) trú tại tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết, thấy bà con có ký hợp đồng đầu tư bao tiêu toàn bộ sản phẩm gừng với Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam nên tôi cũng đầu tư 13.000 gốc gừng, 2 tháng đầu thấy gừng phát triển khá mạnh, không thấy có dấu hiệu gì lạ. Được khoảng 2 tháng sau thì thấy 13.000 gốc gừng bỗng nhiên vàng lá, thối gốc.

“Mặc dù, đã bơm đủ thứ thuốc nhưng vẫn không ăn thua, gia đình đã phải vay ngân hàng 200 triệu đồng từ giống thuốc, công cán chăm sóc. Vậy mà có thu được đồng nào đâu, chết hết giờ không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng đây” ông Thảo buồn bã nói.

Chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Niên (43 tuổi) trú tại thôn 1, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai, Gia Lai) một trong những hộ dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chia sẻ: “Lúc đầu khi mới trồng, gừng phát triển tốt lắm, tưởng rằng đã có được khoản thu ổn định cho 2 con ăn học. Ngờ đâu, sau 3 tháng chăm sóc kỹ lưỡng toàn bộ 7.000 gốc gừng bỗng nhiên bạc lá, rũ ngọn rồi cứ thế “đua” nhau chết trắng. Bỏ ra hàng chục triệu đồng, giờ thu về là những gốc gừng thối nát, chưa kể những khoản phí thuê đất, phân tro rồi công sức trong hơn 6 tháng”.

“Sau khi gừng xuất hiện bệnh, người dân đã liên hệ với công ty để xin hỗ trợ thuốc trị. Lúc đó công ty đã xuất một ít thuốc, còn sau đó công ty ra một thông báo bảo bà con nông dân tự đi mua thuốc trị rồi công ty sẽ thanh toán. Nhưng giờ gừng chết trắng gọi mãi công ty không xuống…”, ông Niên cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Grai cho biết, sau nghe được thông tin, dù người dân chưa trình báo về vấn đề trên, nhưng qua tìm hiểu được biết có khoảng 6 hộ trên địa bàn huyện có kí kết với Công ty để trồng gừng. Theo đó, hộ trồng ít nhất là 10.000 bầu và nhiều nhất là 22.000 bầu. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ có 2 bên kí kết không qua chính quyền nên chúng tôi rất khó trong khâu quản lý giám sát.

“Trong thời gian sắp tới, phòng NN & PTNN huyện sẽ có văn bản gửi đến các xã, thị trấn để kịp thời thống kê số cây gừng của bà con bị chết. Đồng thời, sẽ liên hệ đến công ty và người dân để tìm hiểu cụ thể sự việc này...”, ông Hưng cho biết.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng