Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Nuôi cá diêu hồng tại hồ thủy điện

Năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ cho một số hộ dân xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai nuôi cá điêu hồng (còn gọi là cá diêu hồng) ở lòng hồ thuỷ điện Sê San. Việc nuôi cá hiệu quả, mở ra hướng đi mới giúp người dân có thêm thu nhập ổn định hơn.

Kon Tum có nhiều ao hồ, đặc biệt là các hồ thuỷ điện có diện tích mặt nước lớn, nguồn nước ổn định có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Để giúp người dân nuôi trồng thuỷ sản, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 3 hộ dân làng chài thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai nuôi cá điêu hồng trong lồng dưới mặt nước lòng hồ thuỷ điện Sê San. Sau 5 tháng triển khai, các hộ tham gia thực hiện mô hình tiến hành thu hoạch cá diêu hồng.

Nuôi cá điêu hồng tại hồ thủy điện

>>> Xem thêm: Phòng trị bệnh sưng phù và nổ mắt ở cá diêu hồng

Nhận xét về nuôi cá điêu hồng (cá diêu hồng):

Ông Nguyễn Văn Triều - hộ nuôi cá phấn khởi: Trước đây, các hộ dân làng chài chủ yếu đánh bắt cá tự nhiên trong hồ, không biết nuôi cá. Việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống cá điêu hồng, thức ăn cho cá và chuyển giao kỹ thuật nuôi cá trong lòng hồ giúp người dân nuôi cá thành công, mở ra hướng đi mới. Theo hướng đi này, cuộc sống người dân sẽ không còn bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên như trước đây nữa.

“Cá diêu hồng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thích nghi với mặt nước lòng hồ, lớn nhanh, ít bị bệnh tật. Trọng lượng cá bình quân đạt hơn 0,6kg/con, gia đình dự tính sẽ thu được khoảng 1,32 tấn cá điêu hồng/lồng. Với giá bán bình quân khoảng 45.000 đồng/kg cá như hiện nay, gia đình ước tính sẽ thu được gần 60 triệu đồng. Con cá điều hồng giúp người dân có thêm một khoảng thu nhập không nhỏ” - ông Hồng bộc bạch.

Cùng được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, ông Phạm Ngọc Trí nuôi cá điêu hồng thành công cũng đánh giá cao mô hình. Ông Trí khẳng định: Với việc nuôi cá điêu hồng thành công, cuộc sống người dân làng chài từ đây sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, bà con không còn phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên và đời sống được nâng cao hơn.

Đánh giá cao mô hình, ông Trí mong muốn trong năm đến, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình, giúp người dân làng chài ai cũng được nuôi cá để kiếm thêm thu nhập và nâng cao đời sống.

Theo bà Phạm Thị Hoà-Trưởng phòng Kỹ thuật và chuyển giao công nghệ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), xã Ia Tơi là xã thuộc khu vực biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 3 hộ dân làng chài xã Ia Tơi nuôi cá điêu hồng là để thí điểm, trình diễn mô hình nhằm giúp người dân giảm nghèo, có cuộc sống ổn định, đỡ bấp bênh hơn trước.

Thông qua sự chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các hộ nuôi cá điêu hồng ở lòng hồ Sê San đều thành công. Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, tỷ lệ cá sống trên 60% (đạt so với yêu cầu đề ra); trọng lượng cá khi thu hoạch bình quân trên 0,6kg/con và bình quân mỗi lồng thu khoảng 1,32 tấn. Qua hạch toán kinh tế, nếu trừ hết chi phí đầu tư (cả cá giống và thức ăn), người nuôi vẫn lãi ròng 23,59 triệu đồng/lồng cá. Đây là một nguồn thu không nhỏ với người dân làng chài.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mặc dù hỗ trợ 3 hộ, nhưng trung tâm tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho 15 người dân làng chài. Các hộ được tập huấn thêm này cũng nắm được đặc điểm sinh học cá nuôi và biết ứng dụng kỹ thuật nuôi cá vào sản xuất.

Mô hình cá điêu hồng trong lồng ở làng chài thôn 7, xã Ia Tơi được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng ở địa phương. Từ mô hình này, nông dân còn có thể vận dụng nuôi một số đối tượng cá khác để làm phong phú sản phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Điều quan trọng hơn, việc thực hiện mô hình này giúp người dân thay đổi tập quán từ đánh bắt sang nuôi trồng, góp phần tăng thu nhập, xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển bền vững.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng