Những phương thuốc dân gian từ hoa rất công hiệu và cách bào chế cũng rất đơn giản. Dưới đây xin giới thiệu 3 loại hoa quen thuộc nhưng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe không phải ai cũng biết.
Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Hoa lài và tinh dầu hoa lài có giá trị cao trong y học vì nhiều dược tính. Tinh dầu hoa lài có thể được bào chế tại gia nhằm tiết kiệm tiền bạc trong thời kỳ vật giá đắt đỏ.
Xem thêm: >>> Tuyệt chiêu làm đào nở hoa đúng dịp Tết
Nguyên liệu cần dùng là 300 ml dầu mè và khoảng 8 muỗng canh nụ hoa lài vừa nở. Cho hoa lài và dầu mè vào hũ thủy tinh miệng rộng (màu tối) rồi dùng đũa khuấy đều. Đậy nắp chặt rồi để trong 2 ngày, mỗi ngày nhớ lắc hũ 2 lần. Sau 2 ngày, dùng vải mùng sạch lọc phần dầu và vắt ráo phần bã. Nếu bạn muốn mùi hương thơm nồng hơn thì cho dầu mà bạn vừa lọc và vắt xong trở lại hũ, thêm vào 8 muỗng canh nụ hoa lài và lập lại như cách trên, sau đó lại lọc và vắt bã. Vậy là bạn có một sản phẩm dầu hoa lài (chứa tinh dầu hoa lài).
Dầu này được dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Muốn giữ ẩm và làm mềm da thì cho khoảng 10 giọt dầu vào nước tắm. Có thể thoa vào khuỷu tay và đầu gối để làm mịn phần da sần sùi. Cũng có thể dùng dầu này để mát-xa. Muốn cho căn phòng có mùi hương hoa lài, có thể để dầu trong một chai nhỏ, mở nắp và để trên đầu tủ hay gầm bàn...
Dầu này có thể sử dụng khoảng 6-12 tháng kể từ ngày bào chế nếu được bảo quản ở nơi khô mát và không có ánh sáng, tốt nhất là bảo quản trong lọ thủy tinh màu tối. Vào mùa đông, dầu có thể bị vón cục hoặc chuyển sang thể rắn. Trường hợp này có thể giải quyết bằng cách nấu cách thủy ở nhiệt độ thật thấp cho dầu tan chảy dần.
Lợi ích của hoa oải hương
Cồn thuốc làm từ hoa oải hương (lavender) có tác dụng thư giãn thần kinh, giúp người bị chứng mất ngủ dễ chìm vào giấc ngủ hoặc giúp cắt những cơn đau đầu do stress.
Chọn những bông hoa oải hương trong vườn nhà (không bị dính thuốc trừ sâu), rửa sạch rồi đem phơi thật khô, sau đó rửa lại lần nữa và cho vào một hũ sạch miệng rộng, sao cho hoa oải hương khô chiếm khoảng 3/4 thể tích hũ. Pha nước sạch với rượu vodka theo tỉ lệ 3-1 (3 chén nước pha với 1 chén rượu) rồi đổ vào hũ cho vừa ngập phần hoa khô, đậy nắp thật chặt và lắc kỹ. Để hũ này ở những nơi khô mát, tối, tránh ánh sáng trực tiếp và nguồn nhiệt. Mỗi ngày lắc hũ 2 lần. Sau khi ngâm 1 tháng, dùng vải thưa sạch lọc và vắt ráo phần bã, cồn thu được cho vào một lọ màu để tránh ánh sáng, dán nhãn nhằm tránh nhầm lẫn.
Để trị đau đầu, căng thẳng thần kinh thì nhỏ vài giọt cồn thuốc vào bông gòn sạch rồi hít thật sâu. Để trị mất ngủ, cho một muỗng canh cồn thuốc vào ly nước ấm rồi uống trước khi lên giường. Cồn này cũng có thể dùng để thoa ngoài da trong các chứng bệnh về da như chàm, mụn nhọt...
Lưu ý, không nên dùng đối với phụ nữ có thai và những người bị dị ứng với cồn. Nếu không có rượu vodka, có thể thay thế bằng rượu đế 40 độ loại tốt. Không mua rượu tràn lan về pha vì thường có methanol.
Vạn thọ nhiều công dụng
Có lẽ ngoài hoa mai thì người miền Nam thích nhất là hoa vạn thọ để chưng trong những ngày Tết, ngày giỗ hoặc khi cúng kiếng ông bà. Bông vạn thọ có mùi hương thật dễ chịu. Lá và hoa vạn thọ có nhiều dược tính, nhiều công dụng trong các bệnh về đường tiêu hóa, kích thích tuần hoàn máu. Bông vạn thọ có chứa nhiều vitamin C, resin, protein và flavonoid. Giã nhuyễn bông vạn thọ và vắt lấy dịch, dùng dịch này để bôi lên những vùng da bị viêm nhiễm. Dịch ép từ lá bông vạn thọ cũng có tác dụng tương tự. Bông cúc vạn thọ có thể dùng làm trà để uống khi mắt bị viêm, đau. Có thể làm trà bằng cách phơi khô bông vạn thọ, sau đó ngâm nước sôi giống như pha trà.
Bông vạn thọ cũng được dùng làm nước tắm, giúp tinh thần thư thái. Để làm nước tắm, cho bông vạn thọ tươi vào một lít nước rồi để trong tủ lạnh 24 giờ. Sau đó lấy ra và đun sôi 10 phút rồi cho vào bồn tắm hoặc pha thành nước ấm để tắm, tạo cảm giác vô cùng dễ chịu, nhất là vào những ngày lạnh giá.
Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường