Nuôi cá sấu phát triển khá rầm rộ ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ hơn 10 năm nay. Theo thống kê, tổng đàn cá sấu nuôi tại 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An khoảng 100.000 con, riêng tại tỉnh Bạc Liêu lên đến 320.000 con.
Ông Thái Vinh Thai, chủ trang trại nuôi trăn và cá sấu Hồng Quang ở thị trấn Tri Tôn – An Giang đầu tư nuôi loài cá dữ này từ nhiều năm nay. Hiện trang trại trên 7.000 m2 của ông đang thả nuôi gần 500 con cá sấu. Mỗi năm, riêng giống, ông xuất bán từ 500 – 1.000 con, với giá từ 300.000 – 500.000 đồng/con tùy vào nhu cầu thị trường.
Không chỉ nuôi bán thịt, ông Thai còn nhân giống để nuôi và cung cấp cho nhu cầu trong vùng. Khi cá sấu đẻ trứng, ông Thai thường cho ấp theo kiểu truyền thống, bằng cách đào hố đất, tạo độ xốp với nhiệt độ từ 28oC – 30oC, đây là môi trường thích hợp để trứng nở với tỷ lệ thành công cao.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật làm chuồng nuôi cá sấu
Cá sấu con khi vừa nở phải cho tiếp xúc ngay với nước.
Ông Thai chia sẻ, cá sấu nuôi rất dễ, tỷ lệ hao hụt ít. Tính từ thời gian đẻ đến ấp trứng, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 15%. Thức ăn cho loài này cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là chuột, cá biển, cá đồng… Tuy nhiên, hàng ngày phải cho chúng phơi nắng đủ, vì có nhiệt độ mới tiêu thụ được thức ăn.
Cũng theo vị chủ trại cá sấu này, dù tỷ lệ hao hụt ít, dễ nuôi nhưng không phải ai cũng thành công khi đầu tư vào cá sấu, kể cả nuôi thương phẩm hay làm giống. Một quy trình khá phức tạp từ khi trứng nở cho đến lúc cá trưởng thành được ông Thai liệt kê. Như khi trứng nở thành con phải nhanh chóng cho tiếp xúc nước, nếu để khô quá lâu, cá sấu con sẽ chết. Thức ăn cho cá sấu con trong thời gian này chỉ là thịt heo và cần tập cho chúng ăn để quen dần, việc chăm sóc cá sấu con cũng không đơn giản với người thiếu kinh nghiệm.
Thành công với nuôi thịt và nhân giống, ông Thai còn làm đầu mối thu gom cá sấu trong khu vực để lấy da xuất bán cho thị trường nước ngoài với số lượng lên đến hàng trăm con mỗi năm. Riêng doanh thu từ xuất bán da cá sấu ông thu mỗi năm hơn 400 triệu đồng.
Ông Võ Văn Lượm ở xã Khánh An, huyện An Phú – An Giang đang nuôi 500 con cá sấu, được xem là trại nuôi lớn nhất tỉnh này. Bình quân mỗi năm đàn cá sấu mang lại cho gia đình ông doanh thu khoảng 700 triệu đồng.
Theo ông Lượm, nuôi loài cá dữ này tuy có thu nhập cao nhưng rủi ro cũng lớn. Thức ăn của chúng phải là thịt sống và phải kiểm tra chuồng trại thường xuyên, liên tục, chỉ cần sơ hở là cá sẽ xổng ra ngoài. Nhiều vụ cá sấu xổng chuồng đã từng xảy ra tại các vùng nuôi ở miền Tây, không chỉ gây bất an đến cuộc sống người dân trong vùng mà chủ nuôi còn bị thiệt hại rất lớn, kể cả có thu gom cá về được thì chi phí cho việc tổ chức vay bắt chúng cũng khiến trại nuôi khốn đốn.
Năm 2013, nhiều hộ nuôi loài này ở các tỉnh miền Tây cũng lâm vào cảnh nợ nần bởi giá rớt, dịch bệnh khiến cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, theo các hộ nuôi, nhiều người vẫn đặt cược với may rủi đổ vốn vào cá sấu, do nhu cầu thị trường vẫn lớn.
Hiện giá cá sấu đã tăng trở lại. Cá đạt trọng lượng 12- 15 kg/con có giá bán thương phẩm từ 150.000 – 180.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 đồng/kg so với thời điểm rớt giá của năm 2013 nhưng vẫn còn cách khá xa so với mức giá lúc cao điểm lên tới gần 300.000 đồng/kg những năm trước.
Cá sấu nuôi càng lâu năm thì da càng có giá trị cao. Thường cá nuôi 2 -3 năm trở lên có thể xẻ thịt lấy da, giá một bộ da cá sấu 2-3 năm tuổi từ 3-5 triệu đồng, phần thịt sẽ bán làm thực phẩm.
Để chủ động đầu ra, hiện nhiều cơ sở nuôi như ông Lượm đã đầu tư sản xuất những mặt hàng mỹ nghệ từ da cá sấu, như túi xách, bóp da, dây nịt, giày dép…bán cho khách du lịch và người dân trong vùng, với giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/sản phẩm.
Giày làm từ da cá sấu tại các cơ sở ở miền Tây có giá 2,5 triệu đồng/đôi là sản phẩm được người sử dụng đánh giá cao.