Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Trồng trọt

Thứ 4, 06/12/2017 | 07:00 GMT+7

Vừa qua, tại Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Trồng trọt”

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Sở NN-PTNT các tỉnh miền núi phía Bắc, các trường đại học nông lâm, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, phân bón...  

>>> Xem thêm: Lúng túng với bộ tiêu chí đánh giá tái cơ cấu nông nghiệp

Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Trồng trọt

Tạo hành lang pháp lý liên quan đến trồng trọt

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã giới thiệu về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt cũng như những điểm mới của dự thảo luật này. Theo đó, dự thảo Luật gồm 7 chương và 126 điều.

Chương I: Quy định chung, gồm 7 điều từ điều 1 đến điều 7.

Chương II: Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch phát triển trồng trọt, gồm 5 điều từ điều 8 đến điều 12.

Chương III: Giống cây trồng, gồm 8 mục 62 điều, từ điều 13 đến điều 74.

Chương IV: Phân bón, gồm 5 mục 18 điều, từ điều 75 đến điều 92.

Chương V: Canh tác, gồm 8 mục 26 điều, từ điều 93 đến điều 118.

Chương VI: Bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm trồng trọt, gồm 7 điều từ điều 118 đến điều 124.

Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều từ 125 đến 126; Hiệu lực thi hành; Điều khoản chuyển tiếp.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, sản xuất trồng trọt đang phát triển theo hướng hàng hóa, một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của toàn ngành có 7 mặt hàng từ trồng trọt là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu.

Về hành lang pháp lý trong lĩnh vực trồng trọt, hiện đang thi hành Pháp lệnh Giống cây trồng ngày 24/3/2004, Nghị định của Chính phủ về quản lý phân bón và các văn bản QPPL có liên quan. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, các văn bản này đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Bởi vậy, mục đích xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng thị trường.

Về mặt hệ thống trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT hiện nay đã có các luật được ban hành như: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý của ngành thì việc xây dựng và trình ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết.  

Giảm thời gian công nhận giống

Theo Dự thảo Luật, việc công nhận, đăng ký lưu hành giống cây trồng và phân bón được tiến hành ở cả hai hình thức: vừa công nhận giống mới với giống cây trồng chính, vừa đăng ký lưu hành với giống cây trồng không phải giống cây trồng chính. Phân bón cũng được đăng ký lưu hành qua kiểm nghiệm với phân N, P, K đơn và NPK hỗn hợp và phân hữu cơ; các phân khác thì buộc phải qua kiểm nghiệm.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung phần bảo hộ giống cây trồng vào quản lý giống để đảm bảo thống nhất được quy định giữa hai nội dung này, góp phần làm giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nội dung này cần xin ý kiến để Quốc hội thống nhất bãi bỏ chương bảo hộ giống đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, nay đề nghị chuyển sang quy định tại Luật Trồng trọt.

Dự thảo Luật cũng quy định thay đổi quy trình khảo nghiệm giống cây trồng, giảm thời gian công nhận giống. Cụ thể sẽ giảm trừ 2 giai đoạn khảo nghiệm trước đây (công nhận sản xuất thử sau đó mới công nhận chính thức), nay được giảm xuống chỉ còn một giai đoạn nhưng được bổ sung thêm số điểm kiểm nghiệm, bỏ các Hội đồng cơ sở, chỉ còn một Hội đồng giống quốc gia.

Về vùng sinh thái, dự thảo Luật công nhận giống cũng đã được xem xét thu gọn: thay vì phải công nhận giống ở 7 vùng sinh thái như trước đây, nay chỉ quy định công nhận giống tại 3 vùng chính là miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Quy định bổ sung việc khảo nghiệm các tính trạng chống chịu với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất thuận trong điều kiện đồng ruộng và điều kiện có kiểm soát.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao vai trò của Cục Trồng trọt cũng như Ban soạn thảo xây dựng dự thảo luật này đã tạo hành lang pháp lý, nêu lên nội hàm tất cả các vấn đề liên quan đến trồng trọt. Đặc biệt 2 lĩnh vực giống và phân bón chưa được luật hóa đã được đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu mong muốn việc xây dựng Luật, ngoài đáp ứng yêu cầu quản lý thì phải phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta.

Ông Nguyễn Hồng Sơn thay mặt Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, sớm trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua, dự kiến vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018.

Chia sẻ

Tiêu chuẩn - Quy chuẩn

Tiêu chuẩn - Quy chuẩn


TOP VIEW