Thiếu dinh dưỡng dê đực sẽ trưởng thành sinh dục chậm, tính hăng và số lượng tinh trùng giảm. Dê thường ít có lớp mỡ dưới da, do đó quan sát lớp mỡ này ở các mấu xương dể biết chúng mập hay ốm. Khi dê mập các mấu xương sẽ trở nên tròn, láng. Cỏ hòa thảo ở vùng nhiệt đới thường thiếu năng lượng nên phải bổ xung thức ăn tinh với số lượng tùy theo độ mập hay ốm của dê đực và theo phương thức phối giống.
>>> Xem thêm:Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi dê
Nếu tập trung phối giống theo mùa, dê đực cần có lớp mỡ dưới da trước mùa phối giống, lớp mỡ này sẽ biến mất sau mùa phối giống. Lúc này có thể cho dê đực giống ăn đến 1 kg thức ăn tinh mỗi ngày. Tuy nhiên cần khoảng 5 – 7 ngày để tăng dần số lượng thức ăn tinh lên đến 1 kg/ngày, hầu tránh xáo trộn về tiêu hóa. Tuy nhiên nếu dê đực quá mập, tính hăng của chúng cũng bị giảm. Khi dê đực mập cần giảm thức ăn tinh, tăng thức ăn thô. Bình thường cũng cần bổ sung 200 – 400 g thức ăn tinh cho dê đực giống mỗi ngày.
Trong mùa khô với thức ăn thô xấu cần tiêm thêm sinh tố A và E cho dê đực. Thiếu sinh tố A sẽ gây thoái hóa dịch hoàn. Thiếu iod sẽ ảnh hưởng đến tính hăng và chất lượng tinh dịch. Thiếu đồng, phosphore, cobalt, kẽm và mangan cũng ảnh hưởng đến sự sinh tinh. Kiểm tra dịch hoàn, chúng phải chắc, không bị sưng, phồng, có mủ hay có một số hạt cứng trong bao dịch hoàn.
Ngoài ra cần kiểm tra các vết thương, sưng móng chân, sưng các khớp xương… sẽ ảnh hưởng đến sự nhảy chồm của dê đực. Khi trời nóng hay bị bệnh thân nhiệt của dê đực sẽ gia tăng làm giảm sự sinh tinh. Chỉ cần một cơn sốt với thân nhiệt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sự sinh tinh trong 10 ngày. Thời gian này không nên sử dụng dê đực. Trong mùa hè nóng, dê đực bị stress nhiệt nên không cho chúng theo đàn dê cái. Khi thả một dê cái cho dê đực phối, không nên giữ dê cái chung với dê đực quá 4 -6 giờ và không nên phối dê cái quá 2 lần trong một ngày.