1. Chọn cây bưởi diễn đầu dòng để nhân giống:
Cây đầu dòng sử dụng nhân giống phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và côn trùng nguy hiểm. Cây đầu dòng dùng để lấy cành không nên sử dụng để khai thác trái, vì làm như vậy cây sẽ kiệt sức rất mau.
Xem thêm: Kỹ thuật trồng bưởi da xanh
2. Chuẩn bị cành giâm:
Cành bưởi được sử dụng để giâm có thể lấy ở hai dạng cành là cành ngang (mang trái) và cành đứng (cành vượt). Cành ngang chỉ lấy từ ngọn vào bên trong khoảng 20 - 25 cm ở giai đoạn cây không ra hoa. Cành vượt có thể lấy từ ngọn vào trong 40 - 50 cm, cây con từ cành này có sức sống mạnh. Cành giâm nên được thu lúc sáng sớm, trong tình trạng trương nước. Có thể trữ cành trong các bao plastic lớn, phun nước bên trong và cột miệng bao để tránh mất nước. Để bao trong mát, tránh ánh sáng làm nhiệt độ bên trong bao tăng cao. Chiều dài cành giâm khoảng 15 - 20 cm. Tỉa bớt lá dưới đáy cành, giữ lại 5 - 7 lá. Cắt bớt 1/2 chiều dài lá để giảm thoát hơi nước. Vạt xéo đáy cành 1 góc 45 độ, dùng dao rạch vài đường ở đáy cành để tạo mô sẹo, kích thích sự ra rễ.
3. Chuẩn bị hóa chất:
Hóa chất được sử dụng để giâm cành bưởi là các auxin tổng hợp, bao gồm NAA và 2,4-D. Nồng độ sử dụng: 4.000 ppm NAA + 500 ppm 2,4-D để kích thích ra rễ cành giâm bưởi diễn. Các hóa chất này có thể mua ở các cửa hàng bán hóa chất tinh khiết và thường được hướng dẫn cách pha trong cồn.
4. Giá thể giâm cành:
Giá thể giâm cành có 4 chức năng: cố định cành giâm, giữ ẩm tốt, thoáng khí và che tối cho đáy cành. Có thể dùng mụn xơ dừa hoặc trấu để làm giá thể giâm cành. Dụng cụ giâm cành có thể là rổ nhựa, khay hay bồn chứa, bên trong chứa giá thể giâm cành. Đặt dụng cụ giâm cành trong nhà giâm cành hoặc đơn giản hơn là trùm lại bằng tấm nhựa kín, khoảng trống phía trên càng cao càng tốt, vì nó sẽ tăng khả năng giữ ẩm độ và giảm được nhiệt độ bên trong.
5. Giâm cành:
Lấy các cành giâm đã được chuẩn bị sẵn, nhúng đáy cành giâm vào hóa chất trong thời gian 3 - 4 giây. Cành sau khi xử lý xong để cho hóa chất thấm vào đáy cành. Khi chất thấm khô, cắm cành giâm vào giá thể giâm.
6. Chăm sóc sau khi giâm:
Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ ra rễ, sức sống và tỷ lệ chết của cành giâm. Nhiệt độ trong môi trường tốt nhất khoảng 30 + 2 độ C. Nhiệt độ cao làm cho lá cành giâm trở nên vàng và rụng. Sự hiện diện của lá còn trên cành ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra rễ của cành giâm. Ẩm độ của nơi giâm cành phải được duy trì ở mức 85 - 90% trong suốt thời gian giâm cành. Ánh sáng không quá cao, nên sử dụng ánh sáng khuếch tán trong khoảng 1.000 - 2.000 lux. Tốt nhất, là để trong nhà có mái che bằng lá, không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Ba yếu tố ngoại cảnh trên ảnh hưởng đến 50% sự thành công. Trong suốt quá trình giâm cành, nếu thấy lá trên cành giâm còn xanh, không rụng, không vàng thì mức độ thành công sẽ trên 50%. Nên theo dõi ẩm độ và nhiệt độ thường xuyên, phải bảo đảm các yếu tố này trong khoảng tối hảo thì tỉ lệ thành công mới cao.
7. Chăm sóc cây con:
Thời gian ra rễ của cành giâm tùy vào sức sống của cành. Nếu chọn cành khỏe mạnh và đồng nhất về kiểu cành thì thời gian ra rễ khoảng 45 - 50 ngày và tỷ lệ ra rễ đạt khoảng 60 - 65%. Sử dụng cành trung bình thì thời gian ra rễ dài hơn ( 60 - 85 ngày) và tỷ lệ ra rễ chỉ khoảng 50%. Cành giâm sau khi ra rễ được vô trong các bầu plastic có chứa thành phần đất, mụn xơ dừa và phân chuồng hoai.
Cây con vô bầu được để nơi thoáng mát và tưới nước thường xuyên. Mỗi ngày tưới 4 lần, sáng 2 lần, chiều 2 lần. Sau 1 tuần bắt đầu tưới thêm phân DAP. Ngâm phân DAP vào thùng nước lượng 2 g/lít, tưới vào bầu đất mỗi tuần một lần cho đến khi cành giâm ra lá mới.