Giâm bụt giấm (Hibiscus sabdariffa) là cây mới nhập nội từ Thái Lan vào nước ta.
Đây là loài cây bụi ngắn ngày (6 tháng) ưa sáng, chịu hạn, có thể sinh trưởng ở đất đồi gò xấu, khô cằn.
Bột tinh chế và đài quả khô giâm bụt giấm đang được ưa chuộng trên thị trường Âu, Mỹ.
Sau 4 năm trồng thử nghiệm, giâm bụt giấm tỏ ra rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở một số vùng núi và trung du nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng cây chanh Thái năng suất
1. Chọn đất trồng
Giâm bụt giấm (tức bụp giấm) có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở các vùng đất đồi gò khô cằn, đất nông nghiệp xấu, tận dụng.
– Đất cát pha đến thịt nhẹ.
– Không bị úng ngập, cản gió.
– Trồng xen kẽ làm cây che bóng thời gian đầu cho một số cây khác như: chè, cây ăn quả.
2. Làm đất
– Nếu trồng thuần loại cần tiến hành phát dọn rồi cày, cuốc theo rạch hoặc cuốc hốc làm đất tơi nhỏ để gieo hạt.
– Trồng xen: Cày, cuốc theo rạch hoặc cuốc hốc xen giữa các hàng chè, cây ăn quả theo cự ly 1m x 1m hoặc 0,8 x 1,2m.
Trồng xen để tận dụng đất, kết hợp chăm sóc, thu hoạch có hiệu quả cao hơn trồng thuần loại.
Cần làm đất trước mùa gieo hạt (trước tháng 5,6).
3. Gieo hạt
Hạt giâm bụt giấm nhập vào nước ta không thuần chủng, lẫn nhiều giống, có năng suất quả khác nhau và lượng chất màu khác nhau, nên cần chọn loại hạt già, to, chắc có màu sẫm (loại bỏ hạt nhỏ, lép có màu nhạt).
Gieo thẳng mỗi hốc 2-3 hạt (mỗi hạt cách nhau 3-5cm). Khi cây con mọc cao 20cm, tỉa bớt cây xấu, chỉ để lại một cây tốt (để lại cây có lá xẻ thuỳ nhiều năng suất cao hơn) phủ đất tơi dày 3cm.
Trước khi gieo nếu thời tiết và đất khô có thể ngâm nước để trưng hạt, giúp nảy mầm tốt.
Thời vụ gieo:từ đầu tháng 5 đến tháng 6 (vài tuần trước mùa mưa). Với các tỉnh Nam Trung bộ gieo muộn tốt hơn, vì không có mưa phùn lúc thu hoạch nên có thể gieo 2 vụ/năm.
4. Chăm sóc
Tuỳ theo tình hình cỏ dại, cây xâm lấn mà tiến hành vun xới từ 2-3 lần tới khi thu hoạch, kết hợp chăm sóc với cây trồng xen.
Nếu cây mọc xấu cần bón thêm phân vi sinh hoặc phân chuồng hoai quanh gốc.
Chú ý phòng sâu bệnh: Khi cây con cao 20cm chú ý châu chấu, sâu đo xanh cắn ngang ngọn hoặc lá, bọ rùa nhỏ phá hoại lá, quả non.
Quan trọng nhất là phát hiện bắt giết ngay từ đầu, hoặc phun nhẹ thuốc phòng như cây nông nghiệp không nên để sâu bệnh phát triển mạnh mới phun sẽ nhiễm độc quả, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm sau này.
5. Thu hoạch
Với các tỉnh phía Bắc, quả giâm bụt giấm thu hoạch vào tháng 12 dương lịch (có thể sớm hơn nếu gieo sớm) khi quả chín thì đến thời kỳ thu hoạch: 45-50 ngày sau khi ra hoa đầu tiên, có 30% số quả chín. Hái vào lúc nắng để phơi đài quả cho nhanh khô; không bị mưa ẩm, mốc làm hỏng sản phẩm.
Cách thu quả:
Quả chín lẻ tẻ có thể cắt những cành quả chín và bóc lấy quả phơi khô: khô, tách quả phơi riêng. Các quả bị thối, mốc, khô trên cây cần loại bỏ ngay.
Thu quả phải bóc phơi ngay, khi phơi hong phải rải mỏng không chất đống vỏ, quả dễ bị nóng lên men, thối…. làm hỏng sản phẩm.
6. Phơi sấy
Việc thu hoạch, phơi sấy đài quả vô cùng quan trọng, vì nó quyết định chất lượng sản phẩm và hiệu quả của việc gây trồng giâm bụt giống.
Khi thu hoạch quả nếu trời mưa, không đủ nắng phải tiến hành sấy kịp thời để tránh sản phẩm bị mốc, thối. Đài quả có màu đen là không đạt yêu cầu chất lượng về màu, phải loại bỏ; hoặc đài chưa khô kỹ (độ ẩm trên 10%) cũng dễ hút ẩm chóng mốc.
Khi phơi cần rải mỏng sản phẩm lên các dàn phơi cách mặt đất 20cm hoặc phên, bạt, nong nia thoáng; không phơi trực tiếp lên sân xi măng, quá nóng. Dụng cụ, nơi phơi cần sạch sẽ không lẫn bụi, rác, phân gà vịt gây bẩn sản phẩm.
Trời nóng to, sau 4-5 nắng sản phẩm khô dòn.
Tốt nhất là nên tạo các lò sấy thủ công dự trữ tại các hộ gia đình, kết hợp giữa phơi và sấy, đề phòng thời tiết mưa nắng thất thường cuối năm.
7. Bảo quản
Sau khi đài quả phơi sấy khô dòn, cần đóng bao 2 lớp (lớp nilon bên trong chống mốc lớp ngoài bằng bao dứa khâu kín). Bảo quản tại kho thoáng mát.
8. Năng suất
Mỗi ha trồng giâm bụt giấm có thể thu hoạch 400-500kg đài quả khô, 500-600kg hạt và hàng tấn củi đun từ thân, cành, gốc.