Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về trình độ cũng như diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 50.000ha. Nhưng vẫn còn nhiều công nghệ mới ít được áp dụng như sản xuất trên giá thể, thủy canh, đặc biệt là công nghệ IOT - Internet vạn vật. Do vậy, mới đây huyện Đức Trọng đã triển khai mô hình trình diễn công nghệ Internet vạn vật vào quản lý sản xuất, bước đầu đạt được nhiều kết quả.
>>> Xem thêm: Hiệu quả cao từ ngành nông nghiệp 4.0 ở Bình Định
Trang trại ớt chuông của gia đình ông Nguyễn Như Thủy (thôn Kim Phát, xã Bình Thạnh) được Phòng NNPTNT huyện Đức Trọng chọn để triển khai thí điểm công nghệ IOT. Ông Thủy cho biết: “Từ khi áp dụng công nghệ này vào sản xuất, công việc của tôi giảm hẳn đi, chi phí đầu tư giảm xuống đáng kể nhờ tiết kiệm nước, năng lượng, giảm nhân công, phân bón, đo chính xác độ pH của dung dịch phân bón hòa tan…”.
Cũng theo ông Thủy, nếu ông bận việc không thể ra vườn thì vẫn có thể theo dõi được tình hình cây trồng, điều khiển hệ thống châm phân, nước thông minh qua nhật ký sản xuất, mà không cần có mặt trên đồng ruộng.
Theo Phòng NNPTNT Đức Trọng, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 8.328ha đất sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hơn 232ha nhà kính, 136ha nhà lưới và gần 7.960ha tưới tự động ngoài trời. Nếu giải pháp IOT được áp dụng rộng rãi thì sẽ giải phóng sức lao động của nông dân, đảm bảo việc sử dụng phân bón một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất.