Rắn có khả năng tấn công và nuốt những con mồi lớn hơn chúng 1,5 lần, do xương hàm trên và hàm dưới không ngoắc vào nhau nên miệng có thể mở rất lớn. Sau khi nuốt xong con mồi, rắn sẽ tìm nơi kín đáo ẩn nấp chờ tiêu hóa con mồi. Khi con mồi đã được tiêu hóa hết thì nó mới tiếp tục đi tìm mồi mới.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, rắn tiêu hóa con mồi trong môi trường nước nhanh hơn trên cạn, vì vậy khi nuôi rắn ri voi cần hạn chế nhốt chúng trên cạn. Tập tính của rắn ri voi hoạt động vào ban đêm, tới chiều mới đi kiếm ăn, tuy nhiên, trong điều kiện nuôi tập trung, nó cũng dễ dàng thích ứng với việc cho ăn vào ban ngày. Khi cho rắn ăn mồi sống (mồi động), rắn nhận ra cử động của con mồi nhờ mắt và tai rồi nhanh chóng tấn công, còn lúc cho ăn mồi tĩnh, cắt thành miếng ứng với miệng rắn, chúng phát hiện mồi bằng mắt, thận trọng đến gần thăm dò trực tiếp bằng lưỡi, sau đó mới ăn.
Rắn ri voi thích ăn nhất là động vật tươi sống, không ươn thối như nòng nọc, ếch, nhái, lươn con, trùng và các loại cá không vảy hoặc vảy nhỏ. Ta cần chọn con mồi có kích cỡ vòng thân bằng với vòng thân của rắn là phù hợp.
>>> Xem thêm: Giới thiệu về rắn ri voi
Lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3 - 5% trọng lượng rắn trong ao. Tùy theo khả năng tăng trọng của rắn mà tăng hoặc giảm khẩu phần ăn. Không nên để thức ăn dư thừa làm thối nước, mặt khác không để rắn đói vì rắn có thể ăn thịt lẫn nhau. Cần chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn bằng cách nuôi thêm lươn, cá trê, nhái... trong ao nhằm tận dụng thức ăn thừa, bớt ô nhiễm, làm thức ăn tại chỗ cho rắn.
*Chú ý: trong quá trình sinh trưởng và phát triển, rắn phải lột xác để lớn lên. Trước lúc lột xác, rắn bỏ ăn. Sau khi lột xác khoảng 7 - 10 ngày, chúng bắt đầu ăn mạnh, lớn nhanh. Cần quan sát để biết nhu cầu thức ăn để điều chỉnh nuôi dưỡng.