7 con bò trên đang được anh áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo. Theo anh Phình thì thời gian vỗ béo thích hợp khoảng 100 ngày, bò sau vỗ béo rất dễ bán, lợi nhuận thu được dao động từ 25 - 100 ngàn đồng/ngày/con, tương đương với 2,5 - 10 triệu đồng/con sau khoảng 3 tháng nuôi. Tuy nhiên có những bò đẹp có thể có lãi nhiều hơn.
>>> Xem thêm: Bệnh ký sinh trùng đường máu ở trâu bò
Kỹ thuật vỗ béo bò của anh khá đơn giản, nhà nào cũng có thể áp dụng. Bò gầy trước khi vỗ béo được mua tại chợ Mèo Vạc. Giống bò ở đây chủ yếu là bò địa phương - bò Mông được đồng bào nuôi từ lâu đời. Bò 5 năm tuổi có khối lượng 400 - 700kg. Bò có tỷ lệ mỡ giắt cao, thịt thơm ngon.
Anh Phình cho biết kinh nghiệm khi mua bò là phải chọn con khỏe mạnh, không bị khô miệng, cho bò ăn thử cỏ tươi, nếu con khỏe sẽ ăn ngay, còn con bệnh sẽ không ăn hoặc ăn uể oải. Mặt khác phải nhìn cách đi đứng của bò, bò khỏe mạnh thường có dáng đi nhanh nhẹn. Giá mua bò gầy tùy thuộc vào khối lượng và thể trạng. Thường thì bò lai mua giá 28 - 29 triệu đồng và bò địa phương là 16 - 18 triệu đồng.
Bò mua về được tẩy nội, ngoại ký sinh trùng bằng thuốc uống và thuốc tiêm, tiêm các loại vacxin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán. Thức ăn của bò gồm cỏ các loại như cỏ voi, VA06; đặc biệt giống cỏ Goa-tê-ma-na có khả năng chịu hạn và chịu rét rất tốt. Các loại cỏ này được cho vào máy cắt khúc 2 - 3cm, lượng cỏ khoảng 20 - 30 kg/con/ngày. Chú ý là chỉ cho ăn cỏ tươi, không để sang ngày hôm sau. Ngoài ra bò còn được cho ăn hạt ngô nguyên hạt sau khi nấu rượu đã được nấu chín, lượng khoảng 0,5 - 0,7 kg/con/ngày cùng với 3 - 4 trái bắp hạt/con/ngày.
Theo số liệu của Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc thì tính đến ngày 1/10/2017 toàn huyện có 12.235 hộ nuôi trâu, bò chiếm gần 80% số hộ trên địa bàn huyện. Hình thức chăn nuôi hàng hóa và quy mô trên 10 con/hộ ngày càng tăng. Tổng diện tích cây thức ăn có 4.750ha, trong đó diện tích cỏ lưu gốc đạt 4.500ha, diện tích trồng cỏ mới tăng đều hàng năm, năm nay đã trồng mới 259ha đạt 103% so với kế hoạch là 250ha.
Năm 2017, huyện thực hiện hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi thực hiện được 50ha nhưng thực tế đạt 83ha đạt 140% kế hoạch. Các tiến bộ kỹ thuật mới khác như thụ tinh nhân tạo cho bò, ủ rơm bằng ure, ủ chua cỏ… đã được Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện triển khai, nhân rộng được nông dân đồng tình hưởng ứng và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.