Rủi ro chăn nuôi cừu trong mùa hạn

Thứ 4, 23/11/2016 | 15:57 GMT+7

Ninh Thuận nhiều năm nay nổi tiếng không chỉ vì bờ biển đẹp, hải sản ngon rẻ. Du khách đến đây còn để trải nghiệm cảm giác được ăn nho tận vườn hay chụp ảnh, chơi đùa cùng những chú cừu. Ít ai biết đằng sau những bức ảnh đẹp lung linh, người nuôi cừu, trồng nho khốn đốn đối mặt với nắng nóng khi vài năm nay lượng mưa ngày càng ít.

Đời du mục trên cát nóng

Cách thành phố Phan Rang chừng 15 km, hướng đi về làng gốm Bàu Trúc, thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, du khách bắt gặp vài người đàn ông cháy nắng, gương mặt đen nhẻm, hốc hác đi theo từng đàn cừu. Lâu nay, gốm Bàu Trúc không còn là điểm đến quen thuộc với du khách mỗi khi về Phan Rang. 

Xem thêm: 
>>> Những điều cần biết khi chăn nuôi cừu 
>>> Tổng hợp kiến thức kỹ thuật chăn nuôi cừu 

Rủi ro chăn nuôi cừu trong mùa hạn

Một làng nghề lừng lẫy giờ chỉ còn lơ thơ vài cửa hàng gốm. Cái nắng chói chang khiến cây cối xác xơ càng làm tăng vẻ tiêu điều của ngôi làng. Thay vì thăm thú và học nghề làm gốm, dân phượt nhiều trải nghiệm có thể đi sâu vào ngôi làng, băng qua đường sắt, sâu vào khu vực người Chăm để bắt gặp những vườn nho bạt ngàn và từng đàn cừu thảnh thơi về chuồng vào mỗi buổi hoàng hôn.

Tuy nhiên đó là viễn cảnh nhiều năm trước, vài năm nay, du khách đến Ninh Phước không chỉ choáng ngợp trước cái nắng nóng gay gắt mà còn ngỡ ngàng khi chứng kiến từng đàn cừu rệu rã về chuồng dưới cái nắng như đổ lửa.

Trên con đường bụi mù mịt, cây cối ủ rũ, đàn cừu hơn 50 con của ông Được lững thững trở về chuồng. Buổi sáng, chúng được lùa ra lòng sông cạn để kiếm thức ăn. Con sông chạy quanh làng gốm bình thường nước dâng Ngang mặt đường nhưng vào mùa khô, nó cạn tới đáy đến mức người và gia súc có thể đi lại thoải mái trên đáy sông để qua bờ bên kia. Khi sông cạn, lòng sông ẩm là địa điểm lý tưởng cho cỏ sinh sôi, phát triển, người dân cũng được dịp xả rác, thức ăn thừa xuống lòng sông. Đây chính là nguồn thức ăn chính cho cừu vào mùa khô.

Sau khi kiếm ăn ở lòng sông cạn, ông Được lùa cừu về chuồng. Không giống như những bức ảnh đẹp lung linh, cừu ở Ninh Phước, con nào con ấy xác xơ, bộ lông cáu bẩn, gầy và ốm nhom. Mùa khô cừu thiếu nước uống, về đến giữa làng, gặp mó nước đang chảy, chúng tranh nhau uống, xong thỏa mãn nằm khoan khoái mới chịu về chuồng.

Một ngày của ông Được bắt đầu từ 7h sáng. Ông tháo cửa chuồng, thả cừu ra ngoài rồi 12h trưa lùa cừu về. Nghỉ ngơi đến 14h lại lùa cừu đi kiếm ăn cho đến chiều muộn. Ông Được sống cùng đàn cừu và vợ trong một căn chòi nhỏ trên rẫy. Cuộc sống của hai vợ chồng đắp đổi qua ngày nhờ thu hoạch hoa màu và tiền bán cừu cho các thương lái . Lông cừu ở đây không được sử dụng vì thế chủ trại cừu hiếm khi xén lông vật nuôi của mình. Cừu ở đây được thương lái bán lại cho các nhà hàng để chế biến món ăn. 

Trước kia, thời kỳ hoàng kim, giá một cân thịt cừu (cân hơi) lên đến 80 đến 100 nghìn đồng/ 1kg. Một con cừu cân nặng 20 - 30kg cũng được giá từ 2 đến 3 triệu đồng một con. Một năm trở lại đây, cừu rớt giá chỉ còn 20 - 30 nghìn đồng/kg, 1 con cừu bán ra được vài trăm ngàn đến hơn một triệu khiến ông Được dở khóc dở cười không biết nên bán hay nên giữ chờ giá thịt cừu tăng.

"Cừu rớt giá vì chất lượng thịt giảm do thời tiết khô nóng kéo dài, chúng không đủ thức ăn, nước uống và khí hậu tốt để phát triển. Hơn nữa, thịt cừu hiện chưa phải là món ăn phổ biến của người Việt nên việc tiêu thụ rất bấp bênh. Hên thì có thể xuất chuồng cùng lúc cả mấy chục con, xui thì có khi đến sáu, bảy tháng không có người hỏi mua ", ông Được cho biết.

Nơi ông Được sinh sống chỉ còn nhà ông và ông Rạng nuôi cừu. So với hai năm trước đây, số hộ nuôi cừu ở xã Phú Quý, huyện Ninh Phước giảm đến 2/3. Dễ thấy những hộ nuôi cừu thường là hộ có ít đất canh tác nên thường nuôi theo kiểu thả rông. Ngày cho cừu đi kiếm ăn, tối lùa về chuồng. Những hộ có nhiều đất thường đầu tư trồng nho và có thu nhập ổn định với hai lần thu hoạch trong một năm.

Nhà ông Rạng có khoảng gần 1000m². Diện tích đất vườn, ngoài trồng ngô và một số cây ăn quả, ông dựng vài cái chuồng sơ sài để nhốt bò và cừu. Đàn cừu nhà ông Rạng chừng 40 con. Ông mua được đàn cừu này, xây ngôi nhà… đều nhờ tiền bồi thường tính mạng của con trai trong lần bị đâm chết cách đây bốn năm. Vài mẫu ruộng, ít cây ăn trái trong vườn, toàn bộ sinh hoạt trong nhà cũng như tiền học hành của cô con gái đều trông vào tiền bán cừu. 

Hơn thế, vợ ông còn mang nhiều bệnh, tiền thuốc thang tốn kém. Cừu không bán được, vợ chồng, con cái ăn cơm với rau liên miên. Giữa cái nắng gần 40 độ, ngôi nhà nhỏ lát xi măng, lợp mái tôn như một cái lò nung. Vậy mà cả nhà chỉ có một chiếc quạt nhỏ để chống nóng. Ông Rạng bảo, mùa khô, hầu như ngày nào cả nhà ông cũng ra vườn, mắc võng dưới gốc cây mận (roi) nằm ngủ chứ không vào nhà.

"Mùa này, người còn chẳng có rau để ăn, huống chi cừu. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến nguồn thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi ngày càng khan hiếm. Nhiều gia đình thiệt hại lớn vì cừu chết dần, chết mòn do khô hạn", ông Rạng cho biết.

Nghề nuôi cừu dần mai một vì hạn hán

Ninh Thuận là điểm đến hấp dẫn du khách một phần vì hình ảnh những đàn cừu béo mẫm, lặc lè về chuồng trong ánh hoàng hôn chiều tà. Hình ảnh người nông dân chăn cừu đem đến nhiều cảm giác mới lạ cho những ai ưa khám phá văn hóa, lối sống của người dân bản địa. Tuy nhiên, vài năm nay, do nắng nóng ngày càng kéo dài, Ninh Thuận - từ một tỉnh có số lượng đàn cừu lớn nhất cả nước đã dần thu hẹp nghề chăn cừu. Năm 2015, tỉnh có hơn 92.000 con cừu, đến nay, số này giảm đến 1/3, một phần do chết vì thiếu thức ăn và nước uống.

"Đầu năm 2015 giá cừu bình quân từ 80.000 - 110.000 đồng/kg hơi, nay giảm xuống còn phân nửa. Với tình hình này, chắc tôi phải bán tháo đàn cừu chứ không thể chờ đến lúc giá cừu tăng lại", ông Sơn nói.
Do nắng hạn kéo dài, nhiều hộ nông dân chọn giải pháp nhốt cừu trong chuồng và đầu tư tiền thức ăn. Mỗi ngày ông Sơn ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải tốn gần 500 nghìn tiền thức ăn để cứu đói cho đàn cừu gần 500 con của gia đình. Trong khi đó, giá thịt cừu rớt thê thảm, bán không lời nhưng ông vẫn phải chấp nhận mức giá 30 - 35 nghìn đồng/1kg để "lây ngắn nuôi dài". Cứ 10 ngày, ông phải bán bớt 4 con cừu để có tiền duy trì số cừu còn lại.

Theo một số người nuôi cừu có kinh nghiệm, chăn cừu giờ đây không còn là hoạt động manh mún, tự phát nữa. Nếu quá dựa dẫm vào thiên nhiên, người chăn nuôi cừu sẽ không thể chống chọi với nắng nóng. Muốn duy trì được đàn cừu quanh năm, người nông dân phải chuyên môn hóa hoạt động này giống như đầu tư một dây chuyền công nghệ, từ việc chọn vốn đến chăm sóc, phát triển và tung ra thị trường. Muốn vậy, người nuôi phải có một số vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất, thức ăn, nước uống… đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu ăn, ở của đàn cừu. Có vậy, chất lượng thịt cừu mới được cải thiện, người bán cũng có quyền ra giá dựa trên sản phẩm của mình.

Ông Hòa ở xã Phước Trung được coi là người tiên phong thí điểm mô hình này.  Năm 2007, ông đầu tư gần hai tỷ đồng để xây Trang trại, thả nuôi hơn 400 con cừu.

Đầu năm 2015, thấy rừng khô, đồng cỏ cháy, ông Hòa chủ động mua 20 triệu đồng tiền rơm dự trữ cho đàn cừu ăn dặm, giúp chúng vượt qua mùa khô hạn. Theo ông Hòa, nguyên nhân cừu rớt giá do người chăn nuôi không đủ sức lo thức ăn cho cừu trong mùa hạn nên rao bán đồng loạt.

Nhờ đầu tư đúng hướng, đàn cừu của ông Hòa từ 400 đã lên tới hơn 1.000 con.

Trang trại chăn nuôi cừu của ông Đinh Văn Hòa nằm ở phía Đông xã Phước Trung, Huyện Bác Ái có diện tích hơn 7 ha, bao quanh trang trại là vùng đồi núi, đồng cỏ bao la. Một vị trí để xây dựng trang trại chăn nuôi được xem là lý tưởng. Năm 2007, ông Hòa đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng trang trại, thả nuôi hơn 400 con cừu. Đàn cừu của ông hiện đã tăng lên hơn 1.000 con.

Một giải pháp khác hữu hiệu hơn là người nông dân chủ động nguồn thức ăn, nước uống cho cừu từ chính nông phẩm của mình. Ở xã Phước Hậu hiện có một số hộ dân chủ động nguồn nước từ giếng khoan, gieo trồng cây ngô lai. Khi ngô được 2 tháng, chủ vườn bán cho người chăn nuôi với giá 3, 5 triệu/sào để họ cắt về cho cừu ăn qua mùa hạn. Trung bình một đàn cừu khoảng 100 con có thể ăn hết một sào ngô tươi trong hai tuần.

Mỹ Châu

Chia sẻ

Gia súc

Cách lựa chọn vaccine phù hợp cho heo
Cách lựa chọn vaccine phù hợp cho heo

1313 view | Thứ 3, 29/10/2019 | 14:00 GMT+7

Kỹ thuật chăn nuôi heo thịt hiệu quả
Kỹ thuật chăn nuôi heo thịt hiệu quả

1560 view | Thứ 5, 24/10/2019 | 13:10 GMT+7

Kỹ thuật nuôi dê thịt hiệu quả
Kỹ thuật nuôi dê thịt hiệu quả

1600 view | Thứ 3, 15/10/2019 | 13:17 GMT+7

Hướng dẫn trồng chuối Laba cho năng suất cao
Hướng dẫn trồng chuối Laba cho năng suất cao

58 view | Thứ 2, 11/11/2024 | 08:35 GMT+7

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

85 view | Thứ 7, 02/11/2024 | 08:29 GMT+7

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa loa kèn
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa loa kèn

78 view | Thứ 2, 14/10/2024 | 08:12 GMT+7

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa liền
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa liền

96 view | Thứ 2, 07/10/2024 | 08:43 GMT+7


TOP VIEW