Thức ăn cung cấp bột đường
Tấm gạo tẻ có 8,4% protein, năng lượng trao đổi ME: 2780 Kcal/kg. Tấm thường dùng cho gà con, tỷ lệ chiếm 10 – 15% trong khẩu phần.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo thuần chủng
Ngô: Ngô là thức ăn tinh bột tốt nhất để nuôi gia cầm, chiếm 30 – 50% khẩu phần. Ngô đỏ, ngô vàng có nhiều sinh tố A, nhiều caroten. Gà ăn ngô cho thịt và lòng đỏ trứng vàng rất hấp dẫn. Gà con ăn ngô xay thành bột, gà dò ăn ngô mảnh. Gà trưởng thành có thể để nguyên hạt, nhưng ăn ngô mảnh vẫn tốt hơn.
Kê có nhiều sinh tố A, tỷ lệ protein cao 13,3%. Gà con 5 – 15 ngày tuổi ăn kê rất tốt, dễ tiêu, mượt lông. Tỷ lệ kê chiếm 15 – 20% khẩu phần.
Thóc: Đối vói gà nội thả vườn, thóc là thức ăn chính, chiếm 20 – 30% khẩu phần. Đối với gà mái đẻ thóc ngâm mọc mầm rất tốt vì chứa nhiều sinh tố D, E.
Khoai lang, sắn, khoai tây là thức ăn nhiều tinh bột, giá thành rẻ phổ biến nhiều nơi ở nông thôn. Thường nấu chín, bóp nhỏ cho gia cầm ăn. Có thể cho ăn 10 – 15% trong khẩu phần.
Thức ăn giàu protein
Có 2 loại protein: protein động vật và protein thực vật.
Thức ăn protein động vật
Bột cá là loại thức ăn giàu protein tốt nhất cho gà. Bột cá tạp cũng chứa đến 38,5 – 39% protein thô. Gia cầm kỵ mặn nên chỉ cho ăn bột cá nhạt, tỷ lệ 5 – 10% khẩu phần.
Bột thịt, bột máu là phế phẩm của lò sát sinh. Nấu chín cho ăn, hoặc hấp ở nhiệt độ cao, nghiền nhỏ sấy khô ăn dần. Tỷ lệ không quá 10 – 15% trong khẩu phần.
Các loại tôm, tép, cua, ốc, hến, sò, cào cào, châu chấu, tằm hỏng, trứng chết phôi đều là thức ăn tốt cho gia cầm. Nếu so với cơ thể thì hàm lượng protein thô của bươm bướm chiếm 48%, châu chấu 65%, ve 72% và ong nghệ 81%. Vùng núi và trung du có thể gây mối, vùng đồng bằng gây giun và gà tự đào bới lên ăn.
Những vùng ven biển có thể tận dụng các phù du động vật như thuỷ trân, rận nước cho gia cầm.
Thức ăn protein thực vật
Tận dụng các loại đậu thứ phẩm như đậu tương (protein thô 37%), đậu xanh (23,7%), đậu mèo (22%), đậu trắng, đậu đỏ (22,1%). Các loại đậu khi cho gà ăn phải luộc, rang hay hấp chín để khử độc tố. Tỷ lệ 7 – 15% trong khẩu phần.
Các loại khô dầu như khô dầu đậu tương (44% protein thô) khô dầu lạc cả vỏ (30,6% protein), khô dầu lạc nhân (45,4% protein), khô dầu vừng (38,5% protein), khổ dầu dừa (16,63% protein), cho ăn tỷ lệ 7 – 10% trong khẩu phần.
Vừng: Vừng có nhiều protein, mỡ, metionin giúp cho gia cầm mọc lông nhanh. Hạt vừng nhỏ nên thường dùng cho gà con 5 – 20 ngày tuổi, tỷ lệ 5% khẩu phần.
Bã đậu phụ: Những vùng sản xuất đậu phụ nên tận dụng bã cho gia cầm ăn. Gà con 5 – 10g, gà lớn 20 – 30 g/1 ngày.
Thức ăn giàu vitamin
Đối với gia cầm rất cần các loại vitamin A, B, D, E.
Vitamin A giúp gia cầm chóng lớn. Thiếu A gà hay đau mắt, nổi mụn ở thân, đầu, trứng nở kém. Vitamin A có nhiều trong các loại rau xanh (rau muống, xu hào, xà lách, bắp cải…), các loại củ quả (bí đỏ, cà rốt…), các loại bèo (bèo hoa dâu, bèo cái, bèo tấm, bèo tây, rong biển, rau lấp…). Có thể cho ăn tươi hoặc ủ xanh, chế biến thành bột…
Vitamin D cần cho gà để hấp thu canxi và photpho trong khẩu phần. Thiếu D gà chậm lớn, xương mềm, vỏ trứng mỏng. Vitamin D có thể tổng hợp dưới da nhờ ánh sáng mặt trời vì vậy lúc mặt trời ỉên cần thả gà ra sân chơi.
Vitamin B có nhiều trong cám, bã bia, bã rượu, trong rau lang, rau muống, sâu bọ.
Vitamin E cần cho gà mái, có nhiều trong thóc, ngô, đậu mọc mầm.
Thức ăn khoáng
Thức ăn khoáng cần cho gia cầm để tạo xương, tạo các muối khoáng trong máu, trong trứng và hình thành vỏ trứng. Những chất khoáng cần thiết nhất là canxi, photpho và muối.
Canxi và photpho có nhiều trong bột xương. Lượng ăn không quá 2 – 3% khẩu phần.
Bột vỏ sò có nhiều canxi, số lượng cho ăn chiếm 2 – 5% khẩu phần. Có thể tận dụng vỏ trứng ở các lò ấp. Trước khi dùng phải hấp chín để sát trùng, phoi khô rồi xay nhỏ. Tro bếp cũng có thể cung cấp chất khoáng. Trước khi dùng tro bếp nên để ra ngoài trời 20 – 30 ngày.
Muối: Gia cầm cần muối rất ít nhưng muối rất cần để kích thích gà ăn được nhiều và khoẻ mạnh, Lượng muối cần khoảng 0,3 – 0,35%. Trong bột cá thường có lượng muối nhất định. Nếu cho ăn bột cá thì không cần bổ sung thêm muối vì gà rất dễ bị ngộ độc muối nếu lượng muối cao.
Ngoài những khoáng đa lượng kể trên, gia cầm còn cần những chất khoáng vi lượng như sắt, đồng, kẽm, lưu huỳnh, mangan, coban… tuy liều lượng rất ít những không thể thiếu. Gà thả vườn có thể tự tìm những chất này trong đất.