Mô hình trồng rau sạch theo công nghệ nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy canh đang được nhiều gia đình thành phố áp dụng. Theo đó, hệ thống sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và ngược lại, nước được lọc sạch bởi cây trồng rồi cung cấp cho bể cá. Đặc biệt, rau trồng không cần đất mà bằng giá thể sỉ nhẹ.
>>> Xem thêm: Mô hình trồng rau sạch thông minh tại nhà
Chi phí cho một hệ thống trồng 2 ô rau (1 khay 100 lít), 1 bể cá nhỏ (khoảng 300 lít) là 7 triệu đồng, bao gồm cả giống trong tháng đầu tiên. Theo anh Nguyễn Văn Thành, đại diện công ty lắp đặt hệ thống trồng rau sạch ở TP HCM, khâu thiết kế và dựng mô hình khá đơn giản. Dụng cụ dễ kiếm như khay trồng rau, bể cá, ống nhựa, giá thể trồng (sỉ nhẹ)... và bộ dụng cụ lọc nước công ty tự thiết kế.
Ưu thế của phương pháp này là người trồng tiết kiệm được 80% lượng nước cho tưới tiêu. Bên cạnh đó, chủ nhà hoàn toàn không phải bón phân, sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu.
"Rau được trồng bằng sỉ nhẹ - sử dụng vĩnh viễn không phải thay. Bên cạnh đó, hệ thống trồng rau, nuôi cá theo một chu trình khép kín sẽ không mất công chăm sóc và không phải thay nước", anh nhấn mạnh.
Cũng theo anh Thành, hầu hết các loại rau phù hợp trồng theo công nghệ này, như rau ăn lá, lấy củ, cây ăn quả hoặc cây cảnh. Các loại cá nước ngọt, cá cảnh đều có thể nuôi được.
"Trồng rau theo công nghệ nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy canh đặc biệt ở chỗ không trồng cây bằng đất mà trồng bằng sỏi nhẹ, bộ rễ rau tương đối sạch, dễ cho việc thu hoạch", anh Thành cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Anh (Gò Vấp, TP HCM), sở hữu một vườn rau theo mô hình này cho biết, rau lên khá xanh tốt. Ngoài việc gieo hạt và cho cá ăn ăn bữa phụ, bà không tốn công gì thêm.
Song để đầu tư hệ thống 2 khay rau và một bể cá có tổng diện tích là 4 m2, bà Mỹ Anh phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng chi phí lắp đặt. Theo bà, công nghệ trồng rau này bắt buộc phải gieo bằng hạt, không tận dụng được từ lứa trước, tốn kém trong việc mua giống.
Chi phí vận hành hệ thống trên hết khoảng 500 đồng tiền điện mỗi ngày, không tốn kém so với trồng rau trong đất. "Tuy nhiên, nó phải chạy 24/24 và rất rủi ro khi mất điện lâu", bà Hạnh chia sẻ.
Chủ vườn trên đánh giá khá cao về chất lượng rau trồng theo phương pháp này. Bởi rau không sử dụng hóa chất và phân bón nên rất giòn, tươi và người dùng có cảm giác an toàn hơn so với rau ăn ngoài chợ.
Tận dụng khoảng trống sân thượng, mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn (Hà Đông, Hà Nội) cũng lắp đặt hệ thống trồng rau theo mô hình trên. Ông cho biết, 2 khay rau và một bể cá (khoảng 20 con) chỉ đủ ăn nửa tháng cho gia đình 4 người.
Trước đây, ông Thành từng trồng rau trên thùng xốp trên sân thượng. Ông cho rằng, năng suất rau, cá nuôi trồng theo hệ thống tự động này không bằng truyền thống. Bởi quá trình sinh trưởng rau gieo trồng từ hạt lâu hơn, rủi ro hơn nhiều so với dâm cành.
"Tuy nhiên, trồng rau bằng đất cần nhiều công chăm sóc, cũng như chi phí thay đất, bón phân thường xuyên. Rau cũng hay bị sâu bệnh do chế độ chăm bón không phù hợp", ông cho hay.
Chị Nguyễn Phương Lan, Giám đốc công ty tư vấn, lắp đặt hệ thống trồng rau, nuôi cá tại nhà cho biết, đây là mô hình nông nghiệp đô thị đang được nhiều người lựa chọn trong thời gian gần đây. Tùy theo diện tích và sở thích của từng người mà họ có thể đặt hệ thống trong góc nhà, sân thượng. Song, đơn vị lắp đặt luôn khuyến khích khách hàng đặt nơi càng nhiều ánh sáng càng tốt.
Theo chị, mô hình trồng rau này được các nước trên thế giới áp dụng từ khá lâu. "Nếu có khả năng về vốn và diện tích, tôi nghĩ mô hình này nhiều khả năng áp dụng trồng đại trà trong sản xuất, nâng cao giá trị nguồn rau cũng như lòng tin với người tiêu dùng", chị cho hay.