"Song song với đó, để cho vay nhanh chóng, hiệu quả, Vietinbank đã tích cực phối hợp cùng Ủy ban nhân dân Thành phố, NHNN - Chi nhánh TP.HCM triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố như chương trình cho vay kích cầu đầu tư với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao...", ông Dũng thông tin.
>>> Xem thêm: Ngành công nghệ nông nghiệp thời 4.0
Ðại diện Vietcombank - Chi nhánh TP. HCM cũng cho hay, riêng đối với chương trình cho vay các lĩnh vực ưu tiên, Vietcombank tiếp tục dành tối thiểu 40% nguồn vốn để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...
Mặc dù các ngân hàng đã đưa ra chiều trương trình hỗ trợ vốn, nhưng về phía doanh nghiệp, ông Lữ Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tam nông TP. HCM cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, nếu được vay thì phải chịu mức lãi suất cao, cho dù đã có chính sách ưu đãi.
"Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chính sách hỗ trợ lãi suất 6,5%/năm đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng các thành viên trong Câu lạc bộ vẫn đang phải vay với lãi suất từ 8,8-11,8%/năm tại 3 ngân hàng, trong đó có ngân hàng vốn nhà nước chi phối", ông Vũ thông tin.
Cũng theo vị này, do tài sản thế chấp của doanh nghiệp nông nghiệp thường là đất nông nghiệp nên được định giá thấp. Hơn nữa, sau khi thẩm định giá, số tiền được vay cũng chỉ khoảng 50% giá trị tài sản thế chấp…
"Ðể giúp các doanh nghiệp nông nghiệp thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, cơ quan chức năng và ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn", ông Vũ nhấn mạnh.
Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM cho hay, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phải thỏa mãn yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, nên chi phí sản xuất thường cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.
Theo ông Thiện, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực cần nhiều vốn, nhưng các ngân hàng lại thường ngại cho vay. Mặt khác, việc hỗ trợ vốn từ các quỹ hỗ trợ và hợp tác xã cũng chưa đủ và chưa đúng thời điểm. Những rào cản này khiến việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao gặp khó khăn.
“Nông nghiệp công nghệ cao rất cần sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng, cũng như các quỹ bảo lãnh hỗ trợ tín dụng. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro, ngân hàng cần triển khai các gói bao thanh toán cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”, ông Thiện nêu ý kiến.
Về phía cơ quan chủ quản, Phó thống đốc NHNN Ðào Minh Tú thông tin, để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên…, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn.
"Hiện quy định cho vay ngắn hạn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lãi suất tối đa không quá 6,5%/năm. Vốn không thiếu, các ngân hàng thương mại cần tuân thủ đúng quy định", ông Tú nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM chia sẻ, trong năm 2019, cơ quan này sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt cơ chế cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển nông thôn mới, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bên...
Theo thống kê của NHNN - Chi nhánh TP. HCM, năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố cho vay theo các chương trình ưu đãi 10.593 khách hàng, với số tiền 285.544 tỷ đồng; trong đó 10.092 khách hàng được giải ngân số tiền 269.493 tỷ đồng theo gói tín dụng ưu đãi lãi suất, ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung - dài hạn xoay quanh 9%/năm.
"Tính đến cuối năm 2018, các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp góp phần giúp TP. HCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 14,69%, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 346.248 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố là 8,3%", ông Minh cho hay.