Những ngày cuối tháng 9.2017, dưới sự chứng kiến của Bộ NN-PTNT và Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, lần đầu tiên lô thanh long trồng tại tỉnh Long An chính thức được xuất khẩu sang Úc và chiếm luôn thế độc tôn “một mình, một chợ”.
>>> Xem thêm: Bình Thuận: Ốc sên hoành hành vườn thanh long
Tiêu chuẩn nghiêm ngặt
Trồng thanh long sạch công nghệ cao Chia sẻ về sự kiện đặc biệt này, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Công ty Hoàng Phát ở xã Dương Xuân Hội, H.Châu Thành, Long An), đơn vị tiên phong đưa trái thanh long Việt Nam sang Úc bằng đường hàng không, cho biết đây không chỉ là tin vui đối với người trồng thanh long ở Long An mà trên cả nước, bởi thị trường Úc được đánh giá là một trong những thị trường khó tính về nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Năm 2008, ông Huy bắt đầu dấn thân cùng thanh long bằng việc thành lập công ty, xây dựng nhà máy xử lý, đóng gói trái thanh long xuất khẩu. Lúc đó, mục tiêu của công ty chỉ hướng tới những thị trường “dễ tính” như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia...
Những năm về sau, ông Huy bắt đầu tìm tòi phát triển thêm công nghệ xử lý trái cây từ Nhật Bản và mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý hơi nước nóng Hoàng Phát, nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính. “Để đưa được trái thanh long Việt vào thị trường Úc, chính phủ hai nước đã phải đàm phán qua từng bước, thời gian đàm phán kéo dài đến 9 năm. Trước tiên, phía Úc yêu cầu phải xử lý các loại côn trùng gây hại. Khi đàm phán xong, người của phía Úc đến tận nhà máy và vùng nguyên liệu để kiểm tra”, ông Huy cho biết.
Thanh long Việt Nam sắp vào Úc Theo ông Huy, để trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, yêu cầu đầu tiên phụ thuộc người trồng. Tất cả sản phẩm, giống cây trồng đều phải tuân theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số; đồng thời phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thanh long tươi từ Việt Nam trước khi vận chuyển phải được xử lý bằng phương pháp nhiệt hơi trong thời gian 40 phút, nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên… Trước khi nhập khẩu vào Úc, từng trái thanh long còn phải vượt hàng loạt quy định pháp lý khác nhau. Doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc cấp.
Ngoài ra, phải được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm dịch trái thanh long không bị nhiễm côn trùng, trong diện an toàn sinh học. Sau khi xử lý, thanh long phải được bảo vệ, tránh bị côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói lưu kho và di chuyển. Đến khi nhập khẩu, nếu lô hàng nào không có chứng từ kê khai đầy đủ hoặc không nhất quán sẽ bị giữ lại cho đến khi phía Úc làm rõ với Việt Nam mới thôi. Hàng hóa xuất đi cũng không để lẫn bùn, lá cây, cỏ và các loại thực vật khác… Nếu lô hàng bị phát hiện có côn trùng sống gây nguy hại an toàn sinh học sẽ bị phía Úc cho tái xuất hoặc tiêu hủy.
Thanh long ruột đỏ 'lên đỉnh' Lô hàng thanh long đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Úc gồm 600 thùng (5 kg/thùng, tương đương 3 tấn) được vận chuyển bằng đường hàng không và chỉ một ngày sau đã chính thức lên kệ mở bán tại một số siêu thị ở Úc. Thừa thắng xông lên, hằng tuần ông Huy tiếp tục cho xuất nhiều lô hàng bằng tàu biển và số lượng cứ tăng dần theo thời gian. Nói về trái thanh long Việt Nam, ông Huy cho rằng doanh nghiệp đã xuất khẩu thanh long qua các nước khó tính như Nhật, Hàn thì Úc là thị trường tiếp theo muốn hướng tới vì đây là thị trường có nhu cầu rất lớn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết sau 9 năm đàm phán, hoàn thành các thủ tục liên quan, thanh long Việt Nam đã chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc. Việt Nam cũng là nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu thanh long vào thị trường Úc. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT. Cũng theo ông Nam, hiện tại cả nước có 32 tỉnh thành trồng thanh long với diện tích hơn 25.000 ha, sản lượng trên 460.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất ở 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Là loại trái cây xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 895 triệu USD (chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam), thanh long đã có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… Bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, nhìn nhận nông dân Việt Nam đã hợp tác rất tốt với ngành nông nghiệp của Úc để cùng tạo ra sản phẩm đủ chuẩn để xuất sang thị trường khó tính này. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp hai nước đã hợp tác rất nhiều và tạo ra nhiều giống cây mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.