Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 5 tỉnh khu vực phía Bắc.
Liên kết theo chuỗi
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong những năm vừa qua, mặc dù ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng chăn nuôi gà vẫn tăng trưởng đều đặn. Năm 2013, tổng đàn gà cả nước là hơn 234 triệu con. Đến năm 2017 đạt 295,2 triệu con. Vùng trung du miền núi phía Bắc có đàn gà lớn thứ 2 cả nước (sau ĐBSH) với tổng đàn 68,8 triệu con.
>>> Xem thêm: Dự án nuôi gà liên kết công nghệ 4A hướng đến xuất khẩu
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm chủ yếu về số đầu con và sản lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường (chiếm khoảng 70% về đầu con và 60% về sản lượng). Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, người chăn nuôi chủ yếu theo phương thức chăn thả vườn đồi, tận dụng thức ăn có sẵn tại gia đình kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn và biến động giá đầu vào, nên chăn nuôi gà thả vườn, thả đồi đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung SX hàng hóa với quy mô đàn từ 500 - 5.000 con. Phương thức chăn nuôi đang được áp dụng nhiều tại một số địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang…
Cũng theo bà Hạnh, trước những bất lợi về giá cả thị trường biến động, dịch bệnh thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp, người chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau như hỗ trợ vốn SX, mua vật tư đầu vào với khối lượng lớn, giá rẻ; gắn SX chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi sản phẩm…
“Việc hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi gà đã bước đầu được nhiều địa phương quan tâm với các hình thức như: Liên kết với các doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công; liên kết giữa các trang trại chăn nuôi gia cầm và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể; liên kết theo chuỗi chăn nuôi - giết mổ - bán buôn; liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch và truy xuất nguồn gốc…”, bà Hạnh khẳng định.
Theo ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bắc Giang, trong những năm gần đây, đàn gia cầm của tỉnh có tốc độ tăng đàn khá cao. Năm 2013 có 16 triệu con thì đến năm 2017 tăng lên hơn 17 triệu con (tăng 6,9%), trong đó tăng trưởng chủ yếu là đàn gà (năm 2013 đàn gà là 14,1 triệu con, năm 2017 có 15,1 triệu con) tập trung tại các huyện Yên Thế, Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn… với giống gà lông màu (chiếm trên 90%) theo phương thức thả vườn đồi.
Vị này cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 150 cơ sở ấp nở gia cầm và cung ứng giống. Không có cơ sở nuôi giữ giống gốc, người SX giống gia cầm nói chung và giống gà nói riêng vẫn phải mua con giống bố mẹ từ các cơ sở thuộc Viện Chăn nuôi và một số cơ sở khác trên toàn quốc.
Ông Dương bộc bạch: “Để nâng cao giá trị gia tăng, giữ vững thương hiệu gà đồi Yên Thế, tỉnh chỉ đạo các địa phương thành lập các HTX, tổ hợp tác liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi kép kín với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Tại huyện Yên Thế có 3 chuỗi hoạt động khá ổn định như chuỗi liên kết giữa 80 hộ nuôi gà VietGAHP tại xã Đồng Tâm với Cty CP Giang Sơn; chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ thông qua Hội SX, tiêu thụ gà đồi Yên Thế và chuỗi SX, tiêu thụ tại HTX Nông nghiệp xanh”.
Giải đáp thỏa đáng
Tại diễn đàn, ban chủ tọa cùng với ban cố vấn đã giải đáp những thắc mắc của người dân về các vấn đề như nâng cao giá trị gà đồi Yên Thế; chính sách hỗ trợ trong việc chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị, các loại bệnh thường gặp ở gà; cách phòng chống dịch bệnh; cách tiêm vacxin…
Anh Phạm Văn Cường (huyện Hiệp Hòa) có hỏi: “Nhà tôi đang nuôi khoảng 200 con gà lai, đến nay đã gần 1 tháng tuổi. Một tuần nay, có hiện tượng bỏ ăn, đi ngoài phân lẫn máu, sã cánh, đứng 1 chỗ ủ rũ. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?”.
Ban cố vấn trả lời: “Với những biểu hiện trên thì đàn gà nhà anh đang bị mắc bệnh cầu trùng. Bệnh cầu trùng do các ký sinh trùng ở mang tràng và ký sinh trùng ở ruột non của gà gây ra. Với căn bệnh này, gia đình nên dùng thuốc chế phẩm sinh học trị cầu trùng, đồng thời kết hợp cho gà ăn thêm vitamin C, vitamin K để hạn chế xuất huyết đường ruột. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại”.
“Khi tiêm văc xin cúm H5N1 thì trước khi tiêm để nguội độ bao nhiêu giờ để gà khỏi bị sốc thuốc và tiêm 1 lần hay nên tiêm 2 lần trên đàn gà?”, anh Phạm Duy Chính (huyện Yên Thế) hỏi.
Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bắc Giang trả lời: “Trước khi tiêm, gia đình nên để vacxin nguội độ trong vòng 1 - 2 tiếng. Khi tiêm phải kiểm tra kỹ chất lượng vacxin. Với đàn gà 15 ngày tuổi thì nên tiêm 1 mũi với liều lượng 0,3ml/con, sau 28 ngày tiêm 1 mũi với liều lượng 0,5ml/con”.
“Để nâng cao giá trị sản phẩm gà đồi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã có những biện pháp gì?”, anh Dương Văn Vỹ (huyện Yên Thế) hỏi.
Với câu hỏi này, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang chia sẻ: “Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, áp dụng các quy trình phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là nâng cao chất lượng con giống.
Hiện nguồn giống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chăn nuôi gà đồi Yên Thế nói riêng cũng như chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nói chung với hơn 200 cơ sở SX con giống nên tình trạng nhập giống gà trôi nổi, giống gà Trung Quốc, giống gà kém chất lượng đã được khắc phục cơ bản, vì vậy chất lượng gà đồi Yên Thế được nâng lên.
Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại để làm sao nhiều doanh nghiệp biết đến gà đồi Yên Thế, giúp người dân có cơ hội liên kết với doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn…”.