Với hướng đi từ biển Đông cắt ngang qua Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vào biển Tây, nên các huyện vùng U Minh Thượng (giáp Cà Mau) của tỉnh Kiên Giang đã bị ảnh hưởng khá lớn do mưa và gió mạnh. Trong khi đó, khu vực này đang có hàng chục ngàn ha lúa vụ mùa (lúa - tôm) và lúa đông xuân sớm đang trong giai đoạn trổ, chín, rất dễ bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều ngày 25 đến sáng 26/12 trên địa bàn huyện đã có mưa liên tục và gió lớn. Theo thống kê nhanh, toàn huyện đã có 12.600ha lúa vụ mùa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm, chiếm khoảng 80% trà lúa còn lại của huyện, bị sập, đổ ngã do mưa bão, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. “Trước khi bão đổ bộ, huyện đã huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa để chạy bão, kế hoạch thu hoạch ít nhất 1.000ha nhưng chỉ làm được 440ha thì bão tới”, ông Khanh cho biết.
Ông Trần Văn Vũ, nông dân xã Đông Hòa, An Minh cho biết, gia đình có hơn 1ha lúa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm, dự kiến còn khoảng 1 tuần nữa sẽ thu hoạch. “Khi nghe có bão gia đình tôi rất lo lắng nhưng lúa còn xanh chưa thể thu hoạch ngay. Vậy mà chỉ sau một đêm mưa bão toàn bộ diện tích gần như đổ rạp hết. Sáng nay tôi phải rút nước ra để tránh bị lên mộng. Kiểu này thì năng suất sẽ giảm đáng kể. Cái khó hiện nay là nhân công thu hoạch rất hiếm, còn tự làm thì phải mấy ngày mới xong”.
Tại huyện An Biên, diện tích lúa vụ mùa gần 8.000ha và lúa đông xuân sớm 9.598ha đều đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Ông Ngô Trấn Hỷ, Trưởng phòng NN-PTNT An Biên cho biết, trước khi bão vào, huyện có huy động lực lượng giúp dân thu hoạch nhưng không được nhiều vì phải tập trung cho nhiều công việc cùng lúc. Nhiều trà lúa đã bị đổ ngã sau bão gây khó khăn cho thu hoạch. Hiện nếu thu hoạch bằng máy chỉ tốn hơn 300.000 đồng/công, còn nếu thu hoạch bằng tay lên tới 700.000 - 800.000 đồng/công. Tuy nhiên việc kiếm công cắt tay bây giờ cũng không phải dễ, đa số thanh niên lao động đã rời quê đi làm ở các khu công nghiệp.