Vốn theo nghề sản xuất cá bột giống trên 20 năm, ông Nguyễn Trọng Tường (41 tuổi, ngụ ấp Phú Ninh, xã Phú Thịnh) nhận thấy cá bột giống ngày càng khó tiêu thụ trên thị trường, giá cả bấp bênh và nặng công chăm sóc nên năm 2014 ông quyết định chuyển sang đầu tư nuôi 3 loại cá chủ lực là: cá chạch lấu, cá hô và cá sặt rằn.
>>> Xem thêm: Thiết kế lồng bè nuôi cá diêu hồng
Ông Tường cho biết 3 loại cá trên có thể dùng chung một loại thức ăn nên thuận tiện trong việc cho ăn và chăm sóc. Tuy nhiên, phải có mùng lưới để nuôi cá chạch lấu, cá sặt rằn nuôi ao riêng, cá hô cũng tương tự để tránh thất thoát.
Ao thứ nhất diện tích 1.500 m² mặt nước, ông Tường làm 2 cái mùng lưới (còn gọi là vèo), mỗi mùng kích thước ngang 3 m, dài 8 m, cao 1,5 m. Trong mùng, ông thả nuôi mỗi đợt 1.000 con cá chạch lấu, bên ngoài thả nuôi mỗi đợt khoảng 300 con cá hô.
Ao thứ hai diện tích 1.300 m² mặt nước, ông cũng làm 2 vèo như ao thứ nhất để nuôi 1.000 con cá chạch lấu, bên ngoài thả nuôi hàng chục ngàn con cá sặt rằn con.
“Mình ít đất thì phải tính toán nuôi con gì phù hợp nhất, vừa lời nhiều lại nhẹ công, không bị dội chợ. Nhất là phải đi tắt, đón đầu để nắm bắt thị trường, không chạy theo phong trào”, ông Tường chia sẻ.
heo ông Tường, sau khoảng 10 tháng nuôi, cá chạch lấu đạt trọng lượng 300 - 350 gr/con, giá bán bình quân 250.000 - 300.000 đồng/kg, trừ số lượng cá hao hụt trong quá trình nuôi và tiền mua thức ăn, ông thu lãi gần 80 triệu đồng. Riêng cá sặt rằn, mỗi năm ông thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng. Đặc biệt, trong các vèo nuôi cá chạch lấu, ông lắp đặt hệ thống bơm khí ô xy liên tục, đây là đặc điểm cá biệt với loại thủy sản này.
Khi được thắc mắc về số lượng cá hô hiện có trong ao, ông Tường giải thích đây là loại cá tương đối khó nuôi hơn các loại cá khác vì bản năng của chúng rất hung hãn, dễ đào đất thoát khỏi ao nuôi nên ao phải xây bằng xi măng kiên cố.
Bên cạnh đó, cá hô chỉ ăn những loại thức ăn có độ đạm trên 40% và các loại vi sinh trên mặt nước. Để cá mau lớn, ông Tường pha trộn thức ăn với trùn quế, đầu cá tạp… rồi vò lại thành khối tròn, ném xuống ao nuôi. Với cách pha trộn này, cá hô trong ao tăng trọng nhanh hơn cách nuôi truyền thống từ 2 - 3 tháng. Cá hô càng lớn giá bán càng cao, bởi thịt thơm ngon và có thể chế biến nhiều món ăn đặc sản tại các nhà hàng, quán ăn.
Đợt cá hô sắp tới ông Tường dự kiến xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán với ước sản lượng khoảng 1 tấn, hiện đã có thương lái đặt cọc. Nguồn cá sặt rằn sẽ thu hoạch cùng thời gian với sản lượng ước 1,2 tấn. Riêng 2.000 con cá chạch lấu sẽ thu hoạch vào tháng 7.2019.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Thịnh, nhận xét mô hình nuôi cá 3 trong 1 của ông Tường rất hiệu quả, xứ này không ai qua nổi, vừa tiết kiệm diện tích mặt nước, vừa tăng thu nhập, đặc biệt rất phù hợp với nông dân có diện tích ao mương nhỏ. “Chúng tôi rất mong nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay để người nuôi xây dựng ao kiên cố. Bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật nuôi từ cán bộ chuyên trách”, ông Xuân đề xuất.