Sau khi ăn những trái ớt xiêm chín mọng được trồng ở khu dân cư, chim sẽ bay lên núi và thải phân. Hạt ớt trong phân chim sẽ nảy mầm, phát triển tự nhiên trên đồi núi tạo nên loại ớt có hương vị đặc biệt. Người dân gọi loại ớt này là "ớt bay".
>>> Xem thêm: Trồng ớt trong chậu
Vài năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu gieo trồng giống "ớt bay" để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nói là gieo trồng nhưng người dân chỉ gieo hạt ớt trên rẫy rồi để cây ớt phát triển tự nhiên. Cây ớt hoàn toàn không được bón phân, phun thuốc nên giữ được hương vị đặc trưng.
Mùa vụ này, chị Hồ Thị Lan (xã Trà Nham, huyện Tây Trà) có rẫy ớt khoảng 800 cây. Hiện rẫy ớt đang cho thu hoạch với năng suất khoảng 10 kg mỗi tuần.
Bắt đầu từ tháng 3, chị Lan mang hạt ớt gieo xen với rẫy lúa, chuối. Cây ớt sẽ phát triển trong khoảng thời gian 3 tháng thì cho trái. Trung bình chị Lan thu hoạch từ 1 - 2 lần mỗi tuần để bán cho thương lái mang về xuôi.
"Mỗi tuần hái một lần bán được 600 ngàn đồng nên cũng đủ lo cho mấy đứa nhỏ đi học. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 6 tháng. Gieo hạt rồi bỏ đó chứ không tốn chi phí gì thêm. Nếu giá ớt cao thì mỗi vụ cũng kiếm được tầm 15 triệu đồng", chị Lan chia sẻ.
Chị Trần Thị Nhị - một tiểu thương, cho biết: hiện cây ớt xiêm đang cho thu hoạch rộ nên giá ớt giảm. Hiện giá thu mua tại rẫy là 50 ngàn đồng mỗi kg. Mỗi ngày có thể mua được từ 30 - 50 kg ớt.
"Giá ớt xiêm rừng vào thời điểm đầu hoặc cuối vụ có thể trên 25 ngàn đồng một lon, tính ra khoảng 150 ngàn đồng mỗi kg. Ở đây người dân trồng rất nhiều nhưng có bao nhiêu tôi cũng thu mua hết vì nhu cầu của người dân ở miền xuôi rất cao", chị Nhị cho biết.
Theo chị Nhị, tuy được trồng nhưng thật ra cây ớt phát triển tự nhiên nên chất lượng vẫn thơm ngon. Vì vậy, người dân miền xuôi rất ưa thích sử dụng loại ớt này. Ngoài việc ăn trái tươi, ớt xiêm rừng còn được muối với nước muối hoặc giấm, loại ớt muối có thể để suốt cả năm vẫn thơm ngon.