Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Kiến nghị bỏ quota xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp

Nông dân miền Bắc khốn khổ vì lúa gạo ê hề, giá bán sụt giảm bằng giá cách đây gần chục năm. Doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến đồng nghĩa với đi lạy lục, van xin vì không có quota (hạn ngạch) xuất khẩu gạo.

Ông Trần Mạnh Báo – Tổng Giám đốc Cty CP Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình: Gái ế lại phải xin phép chính quyền mới được gả chồng!

Có đời nào con gái ế chồng mà phải đi xin phép chính quyền mới được gả chồng không? Gạo đang ế nhưng phải đi xin phép bán thì có đất nước nào làm thế không? Đây rõ ràng là vấn đề quản lý Nhà nước đang không ổn.

>>> Xem thêm: Mất mùa lúa ở Hải Dương

lúa gạo xuất khẩu

Chúng ta đang có một hệ thống rất rời rạc. Sản xuất cứ sản xuất. Tiêu thụ thông qua thương lái nhưng bản thân thương lái không điều khiển được việc này. Chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn là tốt nhưng không phải ở đâu cũng làm được cánh đồng mẫu lớn hàng mấy chục, hàng trăm hecta gọn vùng để xuất khẩu như ở đồng bằng sông Cửu Long.

Doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu gạo nhưng không có nhà máy chế biến mà cứ theo quy định bắt phải có thì rất là vô duyên…

Một hiện tượng nữa, tôi nghe chưa chính xác nên báo chí cần phải tìm hiểu thêm là người ta xây dựng nhà máy gạo không phải để xuất khẩu mà để có quota đem bán cho các doanh nghiệp khác.

Chuyện gì thì chuyện, hàng ế phải tìm cách để mà tiêu thụ, để đẩy đi bằng được giúp nông dân chứ không phải là một cơ chế xin cho thế này.

Theo tôi, “thằng” nào xuất được cứ cho xuất miễn là gạo đó bán ra khỏi đất nước Việt Nam, thu được ngoại tệ về.

Quota chỉ có ý nghĩa thứ nhất là trong điều kiện chúng ta không đảm bảo được an ninh lương thực, nếu xuất đi sẽ làm mất cân bằng an ninh thương thực. Thứ hai là quota nhập khẩu, mà nếu nhập vào là hỏng nền sản xuất trong nước thì mới cần. Giờ tự do thương mại cần gì phải quota nữa? Cơ chế này đã kéo dài bao nhiêu năm nay rồi?

Giờ đang xảy ra một chuyện là giá lúa ở miền Bắc thấp hơn miền Nam. Thóc khô ở miền Bắc hiện 5.000-5.500đ/kg còn thóc tươi ở miền Nam loại ngon cũng phải 5.400 đ/kg. Năng suất tăng, nhu cầu tiêu thụ gạo giảm đi so với trước, miền Bắc cũng đang dư thừa chứ chưa nói đến miền Nam.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đơn giản, chi phí rẻ hơn rất nhiều so với nhiều thị trường khác, chất lượng hàng lại không cần cao, đường vận chuyển chỉ từ 200-300 km là tới thế mà vướng quota.

Ngay cả các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan của chúng tôi đều bảo: “Nếu như ông xây dựng được vùng sản xuất, làm đúng mẫu gạo yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng nhập khẩu nhưng ông phải có quota”.

Tôi đã kiến nghị tại hội nghị tái cơ cấu lúa gạo do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn chủ trì rằng việc đầu tiên phải bỏ thuế VAT đối với hạt gạo trong nước. Ai muốn mua thì mua để đẩy mạnh xuất khẩu. Phải bỏ quota đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Phải quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

Ông Vũ Văn Nga – Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Cty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình: Đừng đẩy DN phải xuất khẩu chui!

Xuất khẩu gạo là một ngành nghề có điều kiện. Nghị định 109 ra đời từ năm 2010, thực hiện từ đầu 2011, lúc đó rất đúng nhưng đến thời điểm này đã không phù hợp nữa rồi. Thị trường lúa gạo trong thời gian gần đây bị thu hẹp, bị nhiều đối thủ cạnh tranh nên đầu ra cho nông dân trở thành cấp bách.

Riêng đối với miền Bắc, trước đây giá thóc gạo luôn cao hơn miền Nam 1.000-1.500đ/kg. Có hai lý do, thứ nhất là tiêu thụ của miền Bắc thời điểm đó dựa 90% vào xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, thứ hai là chi phí vận chuyển từ Nam ra Bắc trước rất cao, ít nhất cũng phải 1.500-1.800đ/kg.

Sau khi tuyến đường Bắc Nam hoàn thành, nhất là việc đưa vào khai thác tuyến vận tải đường biển ven bờ nên chi phí vận tải từ Nam ra Bắc giảm 70-80%, đi hàng rời chỉ mất khoảng 300đ/kg, rẻ hơn cả vận chuyển giữa các tỉnh miền Bắc với nhau.

Thứ nữa là nhu cầu tiêu thụ lương thực giảm. Như Ninh Bình có khoảng 80.000ha lúa, bình quân năng suất 6 tấn/ha, đã có 480.000 tấn thóc mỗi vụ. Chỉ 200.000 tấn để ăn, 100.000 tấn để chăn nuôi còn gần 200.000 tấn là dư thừa, phải đưa đi tiêu thụ.

Ngày trước việc tiêu thụ dựa vào đội ngũ hàng xáo, xay xát nhỏ lẻ để phục vụ cho thị trường tiểu ngạch Trung Quốc. Đừng đẩy doanh nghiệp phải đi con đường xuất chui, phải chở hàng lúc mờ mờ tối, bốc lên thuyền qua Trung Quốc vô cùng rủi ro về thanh toán, về chi phí. Hai năm trở về đây, đường tiểu ngạch gần như đóng cứng. Chính ngạch còn đang khó huống hồ tiểu ngạch.

Quota xuất khẩu gạo hiện đang giao cho khoảng 150 doanh nghiệp, những đơn vị nào không đủ điều kiện, mỗi năm đều bị loại đi nên không sợ. Tắc ở chỗ ta lại giới hạn ở những vùng quy hoạch được xuất khẩu gạo. Ở miền Bắc chỉ Thái Bình và Hưng Yên được quy hoạch trong khi có rất nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định… thóc gạo dư thừa tới 30-40% sản lượng, có thể dành cho mục đích xuất khẩu. Tại sao không thay đổi ngay điều này để mở rộng diện vùng quy hoạch, cho tất cả các tỉnh được quyền xuất khẩu gạo?

Đừng nghĩ rằng miền núi thiếu lương thực là không cho xuất khẩu gạo. Chúng tôi đang đặt hàng sản xuất ở miền núi vì ở đây có những đặc sản như tám thơm Điện Biên, ở đây cũng rất thuận lợi cho cấy lúa Nhật. Bán 1 kg gạo đặc sản bằng 2-3 kg gạo thường thì tại sao không cho làm? Không nằm trong vùng quy hoạch được xuất khẩu buộc chúng tôi phải thông qua một đối tác có giấy phép để xuất khẩu thì rất rủi ro. Thứ nhất phải trả phí 2-3 USD/tấn nhưng tất cả tiền thanh toán đều phải chuyển về tài khoản của người ta. Thứ hai là thông tin về khách hàng sẽ bị rò rỉ.

Tôi đồng ý rằng doanh nghiệp phải có cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện như kho chứa 5.000 tấn, hệ thống xay xát 10 tấn/giờ mới được xuất nhưng quy hoạch vùng nguyên liệu thì phải bỏ.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng