Trung tâm Thông tin và Thống kê KHCN TP.HCM - CESTI là đơn vị thuộc Sở KHCN TP.HCM sáng mgày 27/9/2017 tổ chức buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ chuyên đề Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng hệ thống canh tác thông minh trong nông nghiệp 4.0 nhằm cung cấp thêm thông tin về xu hướng ứng dụng những công nghệ tiến bộ của nền nông nghiệp 4.0 trên thế giới cũng như giới thiệu một số vận dụng thực tiễn tại Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp.
Xem thêm: >>> Nông Quốc Thùy quyết tâm làm giàu với nghề chăn nuôi trên mảnh đất Hà Giang
Tại buổi báo cáo, đại diện CESTI cho biết đến tháng 8/2017, đã có 15.376 sáng chế về nghiên cứu và ứng dụng mạng lưới Internet kết nối vạn vật (IoT) trong nông nghiệp được công bố tại 21 quốc gia và 2 tổ chức (WO và EP).
Trong đó, nghiên cứu và ứng dụng IoT trong nông nghiệp hiện đại được tập trung vào 2 hướng chính là hệ thống theo dõi, kiểm soát trồng trọt (74,62%) và hệ thống theo dõi, kiểm soát chăn nuôi gia súc, gia cầm (18,28%).
Trong thời kỳ mới, nông nghiệp 4.0 bao gồm một số thành phần chủ yếu như cảm biến kết nối vạn vật (IoT sensor), công nghệ đèn LED, người máy, thiết bị không người lái và tế bào quang điện (solar cell). Những thành phần kể trên giúp kết nối thông tin dinh dưỡng đất với máy chủ, đáp ứng khả năng phát triển sinh trưởng, trợ giúp phân tích và đưa ra xu hướng mới.
Trong phần tham luận trình bày tại buổi báo cáo, đại diện Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty cổ phẩn bảo vệ thực vật An Giang) khẳng định, qua thực nghiệm tại các hộ trồng lúa tham gia chương trình mô hình trồng lúa bền vững ứng dụng công nghệ cao, thì bước đầu cho thấy tổng chi phí đã giảm 7,1%, chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 15%, qua đó giúp giảm ô nhiễm môi trường và hơn hết là lợi nhuận gia tăng ước đạt 3,39 triệu đồng/vụ/hộ.
Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, ngoài việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, tưới tiêu, bón phân, chăm sóc, bảo vệ thực vật cho đến thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ và chế biến nông sản, thì đơn vị này còn chủ động ứng dụng những thành tựu KHCN mới nhất, tiên tiến nhất một cách đại trà, điển hình như sử dụng xe phun thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống quan trắc nước, thời tiết,... cũng như chú trọng ứng dụng CNTT vào quản lý quy trình trồng trọt, mùa vụ...
Dịp này, khách tham dự cũng được đại diện Trạm khuyến nông H.Châu Phú - tỉnh An Giang giới thiệu về giải pháp xe phun thuốc điều khiển từ xa. Về cơ bản, đây là mô hình được phát triển từ xe sử dụng bánh sắt tròn, có gai bám đất, có kích thước nhỏ, vận chuyển bằng xe gắn máy (2 bánh).
Đại diện Trạm khuyến nông H.Châu Phú - đơn vị hỗ trợ nông dân Trần Quốc Tuấn chế tạo xe phun thuốc từ xa - cho biết, chỉ cần 1 người là đã có thể đặt xe phun lên xe máy, và không cần bất kỳ người nào khác hỗ trợ. Xe sử dụng giải pháp điều khiển không dây qua sóng 2,4GHz với 6 kênh riêng biệt, có khả năng vận hành ở khoảng cách 300 mét và không bị trùng/nhiễu sóng.
Được biết, đây là giải pháp thích hợp cho những hộ trồng lúa có diện tích trung bình 2-10 hécta.
Ngoài ra, phần giới thiệu giải pháp công nghệ AgriCheck - hệ thống kiểm soát và kết nối thông tin chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của công ty cổ phần Đại Thành cũng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham dự sự kiện.
Theo pcworld.com.vn