Gia đình chị Hà Thị Bình, xã Yên Khê, huyện Con Cuông có 1,5 ha cam với 600 gốc chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Song hai tuần trở lại đây, tất cả các gốc cam đều xuất hiện tình trạng quả rụng quả hàng loạt. Có những cây cam trĩu quả trước đó nhưng giờ đã bị rụng quả gần hết, chỉ còn trơ cành và lá.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng cam tiêu chuẩn Vietgap
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do cam bị một loài bướm lâm nghiệp kéo từng đàn từ trên rừng về tàn phá; một số khác lại do ruồi vàng chích. Những quả cam sau khi bướm lâm nghiệp và ruồi vàng chích đều có triệu chứng chung là thủng lỗ nhỏ ở ngoài vỏ, sau đó lan rộng ra khắp bề mặt quả, khiến cho quả bị vàng ố, thối. Sau khoảng 5 - 7 ngày thì quả sẽ bị rụng xuống.
Loài bướm lâm nghiệp kéo từng đàn rất đông và thường xuất hiện vào ban đêm. Để xua đuổi bướm lâm nghiệp, gia đình chị Bình đã mắc bóng điện tại các gốc cam trong vườn vào ban đêm; chị Bình cùng chồng còn đeo găng tay, dùng vợt để bắt, dùng miếng dán để bẫy. Song số lượng bướm quá nhiều nên các giải pháp này cũng chỉ hạn chế được một phần nhỏ, không thể tiêu diệt triệt để.
Chị Hà Thị Bình cho biết, thời kỳ đầu, các cây cam đều trĩu quả trông rất bắt mắt. Nhưng đến thời kỳ gần thu hoạch lại bị rụng quả khiến thiệt hại lớn về kinh tế. Nếu cam không bị rụng thì dự kiến sản lượng được khoảng 15 tấn, với giá bán 17 - 20 ngàn đồng/kg sẽ thu về gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do bị rụng quả mất gần một nửa nên may lắm thì năm nay cũng chỉ đủ gỡ lại chi phí.
Không chỉ vườn cam gia đình chị Bình mà hàng trăm hộ trồng cam tại xã Yên Khê đều có chung tình trạng rụng quả hàng loạt do bướm lâm nghiệp và ruồi vàng “tấn công”. Theo các chủ vườn phản ảnh, loại bướm lâm nghiệp này đã xuất hiện cách đây 2 năm trước, song năm nay mới xuất hiện với số lượng nhiều. Các vườn cam do bướm lâm nghiệp chích đều bị rụng từ một nửa đến hai phần quả khiến sản lượng cam giảm sút lớn, tâm lý người trồng chán nản do thu nhập kinh tế thiệt hại lớn.
Ông Vi Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết: Cam là một trong những cây trồng chủ lực lâu năm tại địa phương với diện tích là 257 ha, gần 300 hộ trồng (chiếm 75% diện tích trồng cam của cả huyện Con Cuông); trong đó, 200 ha đã vào thời kỳ thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng.
Năm nay, khi bước vào giai đoạn gần thu hoạch, khi những quả cam mọng nước, gần chín, có vị ngọt thì các vườn cam đều bị bướm lâm nghiệp chích gây rụng quả hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng. Hiện nay, việc diệt bỏ loại bướm này vẫn chủ yếu là bằng các phương pháp thủ công, hiệu quả không cao, không thể diệt được triệt để. Đối với các hộ cam rụng nhiều có nguy cơ mất trắng, chính quyền địa phương cũng đang tính đến phương án xin hỗ trợ từ cấp trên, nhằm giúp người dân có nguồn vốn để đầu tư cho mùa sau.
Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết, huyện Con Cuông có 371 ha trồng cam, tập trung tại các xã Yên Khê, Chi Khê, Bồng Khê, Thạch Ngàn và Môn Sơn. Theo thống kê, năm nay có 60 ha gần như mất trắng do bị bướm lâm nghiệp và sâu bệnh làm rụng quả.
Sau khi nắm bắt thông tin, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông đã cử cán bộ xuống các địa phương để kiểm tra và lấy mẫu gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nghiên cứu, sớm tìm ra phương án phòng trừ loại bướm lâm nghiệp này. Song hiện nay vẫn chưa có thuốc phun hiệu quả đặc trị loại bướm này.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông đã chỉ đạo chính quyền các địa phương hướng dẫn cho các hộ trồng cam diệt trừ loại bướm lâm nghiệp bằng thủ công như: mắc điện chiếu sáng để xua đuổi, dùng túi nilon để bọc quả, dùng dây chun để bắn, dùng vợt để bắt và dùng bẫy dính.