Những tháng đầu năm, giá cà phê nhân nội địa liên tục tăng cao. Hiện giá cà phê trong nước đang dao động quanh mốc 95.000 đồng/kg - gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tốt cho người nông dân, song doanh nghiệp xuất khẩu lại phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Khi giá cao quá sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu bởi một số đơn vị, khách hàng không có hàng để giao. Giá cà phê tăng cao cũng gây ra hệ lụy là chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng so với kế hoạch ban đầu.
Thực tế, tháng 11/2023, cà phê có giá từ 59.000 đồng/kg - 60.000 đồng/kg thì tháng 12/2023 là 62.000 đồng/kg - 69.000 đồng/kg. Tới tháng 1/2024, giá đẩy lên 70.000 đồng/kg và 82.000 đồng/kg; đến đầu tháng 3 là 86.000 đồng/kg và hiện nay đã lên 95.000 đồng/kg. Giá lên cao và nhanh quá khiến nhiều doanh nghiệp không trở tay kịp.
Giá cả tăng "chóng mặt” khiến một số đơn hàng mua theo kỳ hạn, mua sớm gặp phải tình trạng đại lý không giao hàng và các công ty phải thêm tiền để bù lỗ.
Giá cà phê tăng mạnh.
Những tháng gần đây, giá cà phê tăng từng ngày khiến các công ty phải thu mua chặt chẽ hơn và mua một lượng vừa phải. Mặt khác, các đối tác cũng yêu cầu đơn vị rút ngắn thời gian giao hàng để bảo đảm nguồn cung và tránh các nguy cơ khác về giá. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã lao đao khi phải đáp ứng đúng thời hạn các hợp đồng đã ký kết từ trước khi giá đầu vào tăng mạnh, phải chịu áp lực về nguồn vốn thu mua, thiếu hụt nguồn hàng, chi phí vận chuyển tăng…
Được biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đang có chung một “nỗi niềm” là không dám nhận thêm đơn hàng ngoài kế hoạch và những đơn hàng, hợp đồng quá xa vì lo giá cả thị trường biến động mạnh.
Thực tế, không chỉ cà phê mà nhiều năm qua các mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi giá cả biến động mạnh. Năm 2023 khi giá lúa gạo tăng mạnh, khi người nông dân vui mừng vì những vụ lúa trúng mùa, được giá thì các doanh nghiệp xuất khẩu phải vật lộn trong vòng xoáy đứt gãy nguồn cung. Hay với mặt hàng hồ tiêu, suốt từ năm 2012 đến 2015, giá hạt tiêu đen Việt Nam từ 6.000 - 7.000 USD/tấn lên đến hơn 11.000 USD/tấn và người dân trồng tiêu làm tiêu cũng say sưa với giá lên. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau vào 2017, giá giảm từ 11.000/USD tấn (giá nguyên liệu lúc đó 220.000 đồng/kg) xuống còn 2.500 USD/tấn (nguyên liệu 36.000 đồng/kg), theo đó đã phá vỡ mọi cấu trúc kinh doanh và khiến bao doanh nghiệp, đại lý, nông hộ trồng tiêu... và các mối quan hệ kết nối tan tành. Đi thăm vườn khi đó có những người còn 5-7 tấn nhưng họ nói giữ từ 220.000 đồng/kg đợi giá lên 250.000 đồng/kg sẽ bán, không ai ngờ giá sau đó không lên mà xuống còn 36.000 đồng/kg, khiến họ tiếc vì đã giữ hàng. Sau cú sốc giá đó, tiêu đen tụt dốc sản lượng do không còn muốn trồng. Từ sản lượng 300.000 tấn/năm 2015, hiện giờ Việt Nam sản xuất chỉ còn 170.000/tấn năm và giá cũng chỉ hơn 3.800 USD/tấn.
Trong khi giá nông sản tăng mạnh, các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn hàng ổn định và có kế hoạch đơn hàng cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh bị động, rơi vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí bị phạt hợp đồng.
Về lâu dài, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình để khi nhu cầu thị trường được đẩy lên cao không bị đứt gãy chân hàng, vẫn mua được nguyên liệu xuất khẩu.
Theo Công Thương