Phần lớn khướu sống thành đàn nhỏ, trong các tầng cây bụi hay dưới tán rừng, chủ yếu sống định cư. Nhìn chung, khướu được chia làm 3 loại về màu sắc:
>>> Xem thêm: Những loài chim hót hay, nhiều người bảo dễ nuôi
– Khướu ô: Lông đen từ đầu đến chân.
– Khướu bạc má: Lông đen hoặc đen xanh, nhưng hai bên má có màu trắng.
– Khướu ô lờ: Lông đen, bên má có màu trắng nhạt, pha giữa ô và bạc má. Người chơi chim thường thích nuôi khướu bạc má hơn, tại hai bên má trắng. Còn khướu ô thì nhiều người quan niệm là xui, tại toàn thân phủ một màu đen giống quạ, thỉnh thoảng lại phát ra tiếng kêu giống mèo nữa. Nhưng theo kinh nghiệm của các bậc tiền bối thì khướu ô hót được nhiều giọng và hay hơn khướu bạc má, sức chịu đựng của khướu ô lại dẻo dai, bền. Vì thế chim “mồi” thường được các tay săn chọn là khướu ô, và các tay bẫy chim khướu thường nói câu “Mồi ô vô bạc má”, tức là nếu mồi là khướu ô thì bẫy thường vào chim khướu bạc má.
Khướu được chia làm 2 loại về mục đích chơi:
– Khướu hót: nuôi để nghe hót, thữ giãn đầu óc, làm cho tinh thần được sảng khoái, giảm căng thẳng trong công việc và đời sống.
– Khướu đá: nuôi dùng để đá thư giãn.
Nếu người mới tập nuôi khướu thì khó mà phân biệt được con nào là khướu đá, con nào là khướu hót.
Cách lựa chọn khướu:
Khướu đá: chọn những con dáng người to, chân trụ vững, ngón ngắn, móng vừa phải, vảy nổi lên, lông to bản và không ôm sát thân, mỏ ngắn nhưng to và chắc, lông đuôi ngắn, có một chỏm lông ở quanh mỏ dài và màu đen đậm, đặc biệt đám lông màu đen ở dưới cổ phải lớn. Đặc biệt nếu chú ý kỹ sẽ thấy đám lông ở hai má thường hay phồng và phình to hơn. Mỗi khi nghe tiếng chim khác hót hoặc bạn bắt chước giọng chim hót thì nó không hót lại mà thường phát ra âm thanh nghe như “khẹc, khẹc …”để tỏ thái độ khó chịu, kết hợp với tiếng kêu này là khướu thường hay phồng má, chân nhảy liên hồi.
Khướu hót: nếu khướu chuyên hót thì nhìn dáng người thanh mảnh hơn, lông mỏng, mỏ dài, chân thon, ngón dài, lông ôm sát thân, lông cánh bó dát thân sau, lông đuôi dài, khi nghe chim khác hót thì ít nhảy hơn, mỗi khi hót trả lời lại thường thì đuôi hơi vẫy nhẹ.
Nhìn chung thì người ta thường lẫn lộn giữa khướu hót và khướu cái, vì dáng người hơi giống nhau, nhưng nếu ai nhìn kỹ thì sẽ thấy những điểm khác nhau rõ rệt về đầu, lông ở quanh mỏ, râu và đám lông đen ở phía dưới cổ, chim trông thường thì lông đen đậm, đầu to hơn, nói chung là có vẻ oai vệ hơn, và chim mái chân thường ngắn hơn chim trống.
Muốn mua được một khướu trống hay, phù hợp với mục đích nuôi thì tốt nhất là kết bạn với những tay bẫy chim, vì họ đi bẫy nên biết con nào là chim trống, con nào hót được nhiều giọng và hay, con nào ít hót, con nào thích hợp cho việc đá hơn.
Khi mua chim nên nhớ: không nên vội vàng quyết định, ngồi ra xa một tí và quan sát. Nếu là chim nhốt chung 1 lồng lớn thì hãy chú ý đến những đặc điểm dù là nhỏ nhất của những con chim hót, vì chắc chắn nó là chim trông, nếu nghe hót “rò rò…” và kêu nhỏ nhỏ không hót tiếng nào to cả thì đó là chim mái. Chim trống hót nhiều điệu và nhiều tiếng hơn, tiếng vang xa. Sau đó xem tổng quan lại một lượt, để biết dáng con nào được, thích hợp cho mục đích nuôi của mình mới chọn. Nếu chim nhốt một lồng một con thì cũng làm tương tự, cách này dễ chọn hơn vì dễ so sánh giữa con này với con khác.
Có người lại thích khướu có móng trắng, vì theo họ khướu như vậy thuộc loại dữ, cho dù đá hay hót đều được cả. Chim móng trắng thì có vẻ lạ và quý hơn vì ít khi thấy, thuộc loại số ít nên người ta thường chuộng nuôi và tìm hơn.
Chọn lồng nuôi khướu:
Lồng có nhiều loại, có thể là lồng vuông, lồng tròn, lồng sắt, lồng mái vòm… nhưng nhìn chung thì khướu được nuôi nhiều ở lồng vuông, bỏi vì lồng vuông có thể áp sát tường treo trong nhà, tiện cho chim mỗi khi sang lồng, không gian có vẻ rộng hơn. Một số nuôi ở lồng tròn, nói chung là tùy theo sở thích, túi tiền của từng người.
Tuy nhiên không nên nuôi lồng sắt, có nhiều người nghĩ rằng lồng sắt chắc chắn, lại có thêm một lớp nhựa bọc kín ở ngoài chông gỉ, khi vệ sinh lồng chỉ cần tạt nước vào là ổn. Nhưng họ không biết rằng những thanh thép nhỏ giữ những tấm lưới kia lại với nhau có thể làm tổn thương đến chim, khi chim cảm thấy bực bội vì bị nhốt trong lồng, hoặc nếu có rận cắn thì chim sẽ mổ phá lung tung, và lớp nhựa mỏng phủ lồng kia sẽ nhanh chóng bị chim lột ra, và nếu khướu chui phải những nơi bị bay lớp nhựa này thì khó mà lành lại được, gây tổn thương nặng cho chim. Khướu mổ vào những thanh sắt đó có thể gây hư mỏ. Nói tóm lại lồng sắt chỉ thích hợp cho việc vận chuyển chim thôi, nên mua lồng sắt tròn, vì khi vận chuyển dễ dàng che đậy lồng, chỉ cần phủ lên đó một cái áo thun là ổn, không nên nuôi khướu trong lồng sắt có mái nhà, vì lồng mái nhà có không gian phía trên rộng, làm cho khướu lâu đứng chim, khướu hay nhảy và mái nhà của lồng lại gây vướng.
Nên chọn lồng có nan khít với lỗ khoan, không có những mảnh gỗ hay mây tua ra hai bên, bề mặt lồng nhẵn, vết đỉnh đóng khít, vừa, ban lồng không bị gãy, nan mảnh nhưng chắc chắn…Lồng nên được quét qua khoảng 2 – 3 lớp sơn mài hoặc véc ni, vì như vậy lồng mới giữ được màu và khó bị lên mốc, không bị thấm nước.
Cầu (nèo) cho khướu: Nên chọn những cái cầu to hơn ngón tay cái, tốt nhất là bạn nên tự tay tìm lấy và làm, vì những cái cầu tiện bằng gỗ bán ở các quầy không bền, thường mau nổi mốc, chất lượng lại không tốt. Nên kiếm một cành cây có vỏ bọc lớn, lõi chắc, hơi cong. Dùng cưa cưa lấy một đoạn nào bạn cảm thấy đẹp và thích hợp cho khướu đậu, cưa bằng kích thước của lồng, cưa một đầu cầu một đường thẳng nhỏ sao cho vừa lọt cái nan lồng, đặt cầu sao cho cầu ở chính giữa lồng, nếu lồng có sổ nan lẻ thì đặt cầu sao cho số nan ở ngoài cửa nhiều hơn số nan ở phía sau (đối với lồng vuông).
Chăm khướu trong những ngày đầu về nhà:
Khi đưa khướu về đến nhà, nên treo lồng hoặc áp lồng ở sát tường, đừng quên dùng phấn diệt kiến kẻ một đường trên tường bao lấy lồng. Áp lồng nơi nào ít người qua lại, có thể dùng giấy bào hoặc áo phủ khoảng 1/2 lồng trong vòng 2 ngày đầu để giúp chim trấn tĩnh. Nếu là khướu hót thì qua ngày thứ hai là nó bắt đầu xổ giọng, khi đó có thể tháo lớp phủ lồng ra, vẫn để lồng chim ở yên đó, không nên di chuyển ra vườn, để chim thích nghi và dạn người hơn. Khoảng 4 – 7 ngày thì thả 1 – 2 con cào cào cho chim, sau khi thả vào lồng thì nên lùi lại xa. ở những ngày sau, nên thả lần lượt từng con, khi chim ăn hết con này mới nhẹ nhàng đến gần và thả con khác vào, hành động nhẹ nhàng, từ tốn kẻo chim sợ. Khoảng 2 tuần sau là chim sẽ dạn người hơn, lúc này có thể mang chim ra vườn hoặc treo lồng trước nhà, gần cửa ra vào. Buổi tối không nên cho chim phơi sương. Tập cho chim dậy sớm, khi mặt trời chưa ló lên, ánh sáng mờ mờ, bạn nên đánh thức chim bằng cách nhẹ nhàng đưa lồng chim treo ở ngoài vườn hay treo trước cửa nhà. Có thể ban đầu chim hơi sợ nhưng làm như vậy khoảng 3 – 5 lần là chim sẽ quen. Khướu thích dậy sớm để hít thở không khí trong lành, sau đó nó sẽ hót do bản năng, bạn có thể lắng nghe và tập hót nhái lại giọng của nó. Làm như vậy thường xuyên thì chim sẽ quen với bạn.
Thức ăn cho khướu:
Khướu là một loài chim ăn tạp, thích khám phá, lại dễ nuôi. Thức ăn của khướu thì thường là bột ngô xay nhỏ (4 – 6 lon sữa bò), tép khô (1 – 2 lon), bột dinh dưỡng của trẻ con (1 gói), trứng gà (2 – 3 quả).
Cách làm: bột ngô chiếm phần lớn, cho lửa nhỏ, đảo đều tay, nên chia làm nhiều lần để tránh trường hợp bột ngô bị cháy do đảo không đều, khi ngửi thấy thơm thì đổ ra ở một tờ giấy báo. Tép cho vào chảo, cho nhỏ lửa, sao vàng, đến khi nào cầm một con tép, bóp nhẹ mà thấy giòn, vỡ vụn là ổn, giã nát (giã nát vừa chứ không phải giã mịn), đổ vào đống bột ngô. Bột dinh dưỡng không cần sao vàng, cho vào đống bột ngô kia, đảo đều tất cả. Tiếp tục cho trứng gà vào, trộn đều tay, bóp vỡ vụn những viên bột, tiếp tục mang vào sấy hoặc đảo đều trên một chảo lốn, nhớ cho nhỏ lửa. Sau đó cho vào lọ, cho chim ăn dần.
Có thể mua bột Ba Vì hay bột khác dạng viên cho khướu ăn, nhưng nên xay nhỏ, vì nếu để như vậy thì khướu thường gắp viên bột thả vào nước (cho mềm) rồi mối ăn, như vậy làm cho nước mau bẩn, và mau bốc mùi. Xay nhỏ giúp chim ăn tại chỗ, không thể gắp thức ăn bỏ vào nước.
Khướu ăn trái cây nhưng ít hơn so với những loại chim khác, thỉnh thoảng nó mới ăn, nhưng chỉ một ít thôi. Nước uống thì nên cho uống nước đun sôi đã để nguội, vì thời gian ban đầu đưa chim về, nguồn nước lạ, thay đổi hoàn cảnh sốiig nên chim thường đi phân trắng hoặc phân xanh, nhưng đừng tỏ thái độ lo lắng, khi nào ổn định thì chim sẽ trở nên bình thường lại. Có nhiều người nghĩ do thức ăn nên thay đổi thức ăn liên tục, làm như vậy thì khướu mau xuống sức, nên để vậy để chim ăn và thích nghi dần.
Tắm và vệ sinh cho khướu:
Khướu thích tắm, vì thế khướu thường sống ở những nơi mát, như gần khe, suối. Mang chim về nhà khoảng 2 tuần, khi chim đã dạn người hơn thì bắt đầu tập cho khướu tắm, sang chim qua lồng tắm (cẩn thận kẻo chim bay). Đưa hai lồng lại đến gần nhau, kéo cửa lồng lên, đứng lùi lại ra xa phía sau lồng có chim, khi đó khướu sợ sẽ tìm đường nhảy sang lồng tắm. Khi khướu đã qua lồng tắm thì nhẹ nhàng đến gần, đóng cửa lồng lại. Dùng nước tưới nhẹ hoặc vẩy nhẹ nước cho ướt lông khướu, phía dưới lồng có một chậu chứa nước. Nhớ là vẩy nhẹ, vì nếu vẩy mạnh là chim sẽ trở nên nhút nhát. Sau đó lùi lại phía sau, nên để lồng tắm ở nơi có nắng nhẹ, khi đó sẽ kích thích chim tắm hơn. Bạn ngồi ở gần đó, vừa xem chim vừa tranh thủ vệ sinh lồng kia, thay bột và nước. Ban đầu chim sẽ không dám nhảy xuống nước tắm, nhưng ánh nắng nhẹ sẽ kích thích nó, làm cho nó thấy khó chịu và ngứa ngáy, chim sẽ nhảy vào tắm. Khướu thích tắm nên có thể loại bỏ được lũ rận. Khi nào chim hay nhảy bám vào thành lồng chứ không đứng yên, không rũ lông là khướu tắm đủ, khi đó bạn nên mang lồng đến và sang chim qua lồng, cách sang cũng tương tự, đứng về phía lồng tắm, bắt đầu kéo cửa lồng, khi chim đã qua lồng bên kia thì đóng cửa lại, mang chim ra cho chơi nắng nhẹ, khi đó chim sẽ rũ lông, rỉa cánh cho hết bụi bẩn bám ở người.