Tại nhiều nơi, người dân chặt bỏ điều, cà phê và cả cao su để chuyển sang trồng loại cây này.
Thu hoạch tiêu tại xã Bảo Quang, huyện Long Khánh (Đồng Nai) - Ảnh: An Hiếu
Những ngày cuối tháng 11, khi nguồn cung trong nước thiếu hụt trong khi nhu cầu nhập khẩu trên thế giới vẫn cao, giá tiêu trong nước đã vượt mốc 200.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá tăng kỷ lục
Khi hay tin giá tiêu tăng đến 210.000-220.000 đồng/kg, anh Nguyễn Văn Quang (Đăk Ơ, Bù Gia Mập, Bình Phước) phấn khởi vì không những năm nay tiêu thụ nhiều hơn, mà 2 tấn tiêu được anh trữ lại từ năm ngoái cũng lời to.
“Năm ngoái giá 150.000-160.000 đồng/kg nên tôi trữ lại, nay thương lái vào tận nhà mua với giá 218.000 đồng/kg, 2 tấn tiêu tôi được gần 440 triệu đồng. Hơn 10 năm trồng tiêu, tôi chưa lúc nào bán giá cao như vậy” - anh Quang nói.
Gần đó, ông Bùi Văn Thảo cũng thắng lớn sau hơn hai năm phá 1ha điều để trồng 1.500 nọc tiêu. Với 1.500 nọc tiêu này, ông Thảo dự tính thu ít nhất 2 tấn tiêu, tương ứng khoảng 400 triệu đồng.
“Mủ cao su rớt giá gần hai năm nay, giá điều và cà phê vẫn không tăng nhiều thì tiêu là cây trồng được ưu tiên nhất” - ông Thảo nói.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), kể từ năm 2007 đến naygiá tiêu VN liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Xét về mặt bằng chung trong khoảng thời gian đó, nông dân trồng tiêu trúng mùa trúng giá liên tục. Với mức giá như hiện tại, nông dân trồng tiêu đang có lời tới 70%.
Riêng năm 2014, VN sẽ xuất khẩu khoảng 150.000 tấn hạt tiêu các loại với giá trị 1,1-1,2 tỉ USD. Đây là lần đầu tiên VN xuất khẩu tiêu vượt mốc này và tham gia nhóm các nông sản xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
“Trên thế giới lợi thế vẫn thuộc về người trồng, dù vụ tới Ấn Độ và Indonesia dự báo tăng sản lượng tiêu thu hoạch nhưng giá tiêu vẫn sẽ giữ ở mức cao” - ông Trần Đức Tụng, chánh văn phòng VPA, nhận định.
Trồng mới tăng nhanh
Giá tiêu tăng nhanh đã khiến nhiều người dân bắt đầu có xu hướng đổ xô sang trồng loại cây này. Ghi nhận dọc tỉnh lộ 741 thuộc địa phận tỉnh Bình Phước, thời điểm này không khó nhận thấy những vườn tiêu mới trồng được nông dân kéo lưới giăng ra tận đường lộ.
Đang tất bật làm cỏ, phát quang vườn tiêu, ông Nguyễn Văn Cấp (ấp Rạch Chàm, xã An Bình, Phú Giáo, Bình Dương) cho biết tiêu được giá nên phải làm vườn thật sạch để hạn chế hao hụt.
Theo ông Cấp, hiện cả tổ có khoảng 70 hộ nhưng hơn 50% số hộ có tiêu trồng mới bằng cách phá vườn cao su trồng tiêu, hoặc cải tạo lại vườn tiêu sau thời gian bỏ bê, nhiều hộ trồng vài ngàn trụ.
“Hai năm nay, tôi trồng mới thêm 1.500 trụ, năm tới gia đình sẽ thanh lý thêm 2ha cao su để xuống tiêu” - ông Cấp khẳng định.
Giá thành đầu tư tăng
Giá tiêu giống năm tới dự định 30.000-40.000 đồng/dây, tăng gần gấp đôi so với hai năm trước, giá tiêu lươn (đột của cây tiêu) dùng để trồng hiện cũng đang ở mức cao.
Theo ông Hoàng Phước Bính - phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nếu những năm trước dây tiêu lươn cho không thì hiện giá tiêu lươn trung bình 100.000 đồng/kg với khoảng 150 lươn.
Cơn sốt cây hồ tiêu khiến giá thành đầu tư trồng tiêu cũng tăng đáng kể, hiện đầu tư trồng mới 1ha tiêu cho đến thu hoạch nếu sử dụng trụ gỗ tốn cả tỉ đồng, trụ ximăng 700-800 triệu đồng, trụ bằng cây sống rẻ hơn với khoảng 500-600 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Minh Chiến - chủ tịch Hội nông dân xã An Bình, toàn xã hiện có 160ha tiêu, nếu năm ngoái chỉ có 5ha tiêu trồng mới thì năm nay diện tích trồng mới đã tăng lên hơn 25ha. Nếu giá tiêu vẫn giữ mức cao như hiện nay, thời gian tới diện tích tiêu sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết hiện sáu tỉnh trồng tiêu trọng điểm của cả nước là Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai đang phát triển cây tiêu ào ạt, chỉ riêng Gia Lai diện tích hồ tiêu đã lên đến 12.000ha, trong khi theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 chỉ là 5.000ha.
“Ba năm trở lại đây diện tích hồ tiêu tăng chóng mặt, chiếm 30-40% diện tích tiêu Gia Lai hiện có. Giá tiêu tăng cao, nông dân bắt đầu đốn hạ cà phê hoặc đi săn lùng những vùng đất mới với giá rẻ để trồng tiêu, nên năm tới đây diện tích tiêu trồng mới sẽ tăng mạnh hơn nữa” - ông Bính nói.
VPA đánh giá diện tích hồ tiêu cả nước hiện đã vượt trên 60.000ha trong khi quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ ở mức 50.000ha.
Mặc dù sản lượng tăng nhưng giá tiêu xuất khẩu của VN thường thấp hơn nhiều so với các nước.
Cụ thể giá tiêu xuất khẩu của VN trung bình 9.000-10.000 USD/tấn, trong khi giá tiêu xuất khẩu của Indonesia và Ấn Độ lên đến 12.000-13.000 USD/tấn.
“Tình trạng ồ ạt trồng tiêu đang xảy ra ở nhiều địa phương cũng như việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang làm sản phẩm tiêu xuất khẩu của VN bị nhiều khách hàng phàn nàn. Đây chính là thách thức lớn nhất với cây hồ tiêu của VN trong thời gian tới” - ông Trần Đức Tụng cho biết.
Nguồn Tuổi Trẻ