Theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tổ chức ngày 3/11, trong 10 tháng năm 2023, đàn vật nuôi phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng từ 3-4% về số lượng đầu con và sản lượng so với cùng kỳ năm 2022. Song, thời gian gần đây diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phức tạp đã ảnh hưởng tới giá bán và tốc độ tái đàn.
Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 42 tỉnh thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 18.000 con lợn.
Bệnh cúm gia cầm phát sinh 19 ổ dịch (cúm A/H5N1) tại 16 huyện, thị xã của 11 tỉnh, phải tiêu hủy gần 36.000 con. Ngoài ra, nhiều dịch bệnh khác gây thiệt hại đàn vật nuôi.
Thực tế, vài tuần trở lại đây, dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng ra nhiều địa phương, người chăn nuôi lo sợ đành bán tháo đàn. Cung tăng, sức tiêu thụ trên thị trường lại chậm kéo giá bán lợn hơi giảm khá mạnh. Theo Bộ NN-PTNT, chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn tháng 10/2023 giảm 5,34% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,79% so với tháng trước đó.
Dịp Tết sẽ không thiếu thịt lợn và gia cầm, nhưng giá các mặt hàng này được dự báo sẽ tăng (Ảnh: Nhật Sinh)
Thời điểm cuối tháng 10, có địa phương giá lợn giảm còn 47.000-50.000 đồng/kg. Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng ở nước ta dao động ở mức 50.000-54.000 đồng/kg. Với mức giá này, đa phần người chăn nuôi chịu thua lỗ.
Theo đó, nhiều hộ chăn nuôi lo ngại dịch tả lợn châu Phi và rủi ro giá cả nên khi bán lợn đã treo chuồng, không dám vào đàn lại.
Về nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, thịt gia cầm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Phan Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, dự báo sẽ tăng khoảng 10-15% so với các tháng khác trong năm.
Thế nên, cần kiểm soát chặt dịch bệnh để duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu trên thị trường, tránh tình trạng thiếu hụt.
"Về cơ bản, chúng ta không bị thiếu hụt thực phẩm nhưng giá thịt lợn và gia cầm có thể tăng vào các tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán, song không tăng đột biến", ông nhấn mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng của đàn lợn và gia cầm năm nay tăng 5%, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nguồn cung các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cho dịp cuối năm và Tết sẽ đảm bảo, không lo thiếu.
Tuy nhiên, giá các mặt hàng này sẽ tăng. Bởi, nền giá bây giờ quá thấp, nguyên nhân một phần do sức tiêu thụ giảm. Khi sức tiêu thụ trên thị trường tăng, giá bán sản phẩm chắc chắn sẽ tăng theo.
Giá bán tăng, người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ cũng mạnh dạn tái đàn. Có như vậy, nguồn thực phẩm những tháng sau đó mới đảm bảo, tốc độ tăng trưởng của ngành được duy trì, ông chia sẻ.
Ông Tiến cũng thông tin, nước ta một năm giết mổ khoảng 49-51 triệu con lợn, khoảng 2 tỷ con gia cầm, trứng khoảng 18 tỷ quả... Song, thực trạng mấy năm nay chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, thua lỗ không chịu nổi dẫn đến phá sản. Chăn nuôi “ăn” hết cả vào sổ đỏ, “ăn” hết vào xe.
Ông yêu cầu các địa phương phải "nhìn thẳng vào sự thật" để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước nguy cơ tái phát và lay lan dịch bệnh rất cao trong thời gian tới, ngăn ngừa tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.
Nếu không làm tốt, chúng ta không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng của đàn gia súc và gia cầm. Nguồn cung các mặt hàng này trên thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
(Nguồn: Vietnamnet)