Chim bồ câu là loại vật rất khó nuôi, rủi ro cao. Tuy nhiên, nhờ tìm học hỏi kinh nghiệm nên ông Nguyễn Minh Quang, ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã rất thành công từ loại vật nuôi này, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Minh Quang đã có thời gian dài nuôi lợn theo kiểu trang trại. Do đầu ra của lợn bấp bênh và hay bị dịch bệnh nên vào năm 2001, ông chuyển sang nuôi chim bồ câu thương phẩm.
>>> Xem thêm: Lãi lớn nhờ bí quyết nuôi bồ câu Pháp ít người biết
Lúc đầu, ông xây chuồng và chọn mua 50 cặp bồ câu về nuôi thử nghiệm. Sau đó ông đầu tư nhân đàn lên đến 1.500 cặp. Hiện trang trại bồ câu của ông Quang luôn có khoảng 600 cặp bồ câu sinh sản, số còn lại hơn 500 cặp bồ câu thịt, bồ câu giống.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, ông Quang chọn nuôi 5 loại chim bồ câu để bán giống, bán thịt và bán cho các đơn vị, cá nhân nuôi làm cảnh, gồm các giống bồ câu Pháp, bồ câu Xiêm, bồ câu Gà, bồ câu gà Banh và bồ câu Xòe Nhật. Bồ câu đều được ông Quang nuôi trong các chuồng lưới kín và cho ăn thức ăn công nghiệp.
Hiện đầu ra của chim bồ câu rất ổn định, bồ câu thịt giá khoảng 80.000 đồng/cặp, bồ câu sinh sản giá 400.000 đồng/ cặp. Riêng chim bồ câu Gà, bồ cầu Xòe Nhật giá đến 1 triệu đồng/cặp. Mỗi ngày, trại bồ câu của ông sinh sản thêm 50 cặp mới và mỗi tuần ông Quang xuất bán trên 200 cặp bồ câu thịt.
“Chim bồ câu nuôi 1 lãi 1. Nhưng để nuôi đạt hiệu quả cao, không nên nuôi ít, bởi thị trường bán nhỏ lẻ sẽ rất khó bán, khi có trang trại lớn, mối lái sẽ tự tìm đến. Để nuôi bồ câu đạt hiệu quả, đẻ nhiều cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trong việc chăm sóc, cần cho bồ câu ăn điều độ, đủ chất dinh dưỡng, khoảng 2-3 tháng tẩy giun một lần, thỉnh thoảng mua thuốc giải độc gan để giải độc tố trong bồ câu”, ông Quang chia sẻ.
Ngoài chăn nuôi trại bồ câu, ông Quang còn nuôi 150 gà Đông Tảo, một trại lợn trên 200 con. Mỗi năm, gia đình ông có nguồn lãi trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Nguyễn Minh Quang còn tích cực với các công tác xã hội tại địa phương. Mỗi năm, gia đình ông Quang trích khoảng 70 triệu đồng để ủng hộ cho hoạt động khuyến học, xây dựng nông thôn mới. Ông Quang cũng tận tình hướng dẫn kỹ thuật giúp nhiều hộ cùng nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả.
Đề cập đến gương sản xuất giỏi này, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc cho biết, ông Quang là người đầu tiên ở địa phương đã biết áp dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi đạt hiệu quả cao, cho thu nhập rất khá.
“Từ mô hình chăn nuôi lợn đến thời điểm này có thêm mô hình nuôi bồ câu, ông Quang luôn vượt khó, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi tốt, phát triển kinh tế gia đình. Quá trình cần cù lao động của ông đã được đền đáp, từ chỗ không có đất đai, đến nay ông Quang đã có tiền mua thêm đất đai, xây trang trại… ông Quang là một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương”, ông Hòa cho biết.
Với những thành tích đạt được trong phong trào chăn nuôi, ông Nguyễn Minh Quang đã được bình chọn danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, hiện nay ông Quang đang tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi của mình với quy mô lớn:
“Hướng năm 2017 nguyện vọng gia đình sẽ nuôi tăng thêm 10.000 cặp bồ câu đẻ. Nhận thấy thị trường đang rất lớn, nhưng lượng bồ câu vẫn không đủ để giao. Trong phần thu nhập, gia đình sẽ tiếp tục trích một số tiền đóng góp cho quỹ khuyến học của địa phương, cùng những hoạt động cần thiết khác”, ông Quang chia sẻ.
Từ nghèo khó, ông Nguyễn Minh Quang, ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã phấn đấu, vượt lên trở thành tỷ phú và tích cực tham gia công tác xã hội. Ông chính là tấm gương điển hình của người nông dân có tư duy đổi mới trong điều kiện hội nhập hiện nay./.