Hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương); Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cùng đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc; các doanh nghiệp nhập khẩu lương thực của Trung Quốc; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
>>> Xem thêm: Người trồng Xoài đứng trước nguy cơ thất thu vì bọ trĩ hại cây
Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, tính đến đầu năm 2019, tỉnh An Giang có 16 doanh nghiệp và 1 doanh nghiệp liên doanh với 34 nhà máy có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có tổng năng lực kho chứa 389.000 tấn lúa, 459.000 tấn gạo.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đồng nhất, chất lượng, các doanh nghiệp tỉnh An Giang đã chủ động liên kết sản xuất với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, gieo trồng theo quy trình có khả năng truy xuất nguồn gốc với các giống lúa chất lượng cao như: Jasmine 85, OM 4218..., giống hạt tròn Japonica, nếp CK92, CK 2003 và một số giống của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tự nhân ra như: AGPPS 103, AGPPS 135, AGPPS 137, AGPPS 140.…
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho rằng, Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tỉnh An Giang có lượng gạo xuất khẩu hàng năm trung bình trên 400.000 tấn cùng lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, đi đầu cả nước về xây dựng cánh đồng mẫu, vùng nguyên liệu… là địa phương có đầy đủ tiềm năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước; trong đó, có Trung Quốc.
Dưới sự kết nối của Bộ Công Thương, cơ hội cho gạo An Giang thâm nhập mạnh vào thị trường Trung Quốc là hoàn toàn khả thi; An Giang hy vọng sẽ không dừng lại ở sản lượng khoảng trên dưới 200.000 tấn/năm xuất vào thị trường này và không dừng lại chỉ riêng sản phẩm gạo trong thời gian tới.
Tại hội thảo, ông Lưu Anh, Phó Hội trưởng Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây, Trưởng Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao chất lượng và giá cả hạt gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch và thắt chặt các điều kiện nhập khẩu chính ngạch. Doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu thì phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch, mẫu mã và tham gia nhiều hơn vào việc quảng bá thương hiệu.
Giới trẻ Trung Quốc hiện nay rất bận rộn nên có ít thời gian đi chợ mua gạo. Các doanh nghiệp Việt nên chú ý sản xuất những túi gạo có trọng lượng phù hợp rao bán trên các trang mạng điện tử để phục vụ phân khúc này” Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đề xuất.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp tham gia hội thảo lần này đến từ Hiệp hội lương thực Sơn Tây, Trung Quốc; đây là những khách hàng rất tiềm năng. Bởi các doanh nghiệp này đã được Chính phủ cấp hạng ngạch nhập khẩu 180.000 tấn gạo, chiếm khoảng 10% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc hiểu thêm về ngành lúa gạo Việt Nam, về chất lượng sản phẩm gạo, những định hướng, kế hoạch phát triển ngành sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam trong thời gian tới để có thể định hình kế hoạch kinh doanh, đầu tư hay giao dịch, hợp tác với các doanh nghiệp gạo của Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo này, Sở Công Thương tỉnh An Giang và Hiệp hội lương thực Sơn Tây, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác thương mại hai bên; 2 doanh nghiệp ở An Giang cũng đã ký 5 biên bản ghi nhớ hợp tác thương mại với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Sơn Tây, Trung Quốc. Đây là bước khởi đầu để các doanh nghiệp của tỉnh An Giang có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường đầy tiềm năng nhưng có nhiều rào cản này.
Trước đó, Đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc cùng gần 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Sơn Tây, Trung Quốc đã đi tham quan thực tế một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn huyện Chợ Mới và Thoại Sơn của tỉnh An Giang.