Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều khai mạc và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam; đại diện Ban quản lý FFF Trung ương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp; đại diện các ban đơn vị thuộc TƯ Hội, lãnh đạo, cán bộ Hội ND, Tổ hợp tác, hợp tác xã của 10 tỉnh, thành Hội; các viện ngiên cứu, các doanh nghiệp…
>>> Xem thêm: Dự án nuôi gà liên kết công nghệ 4A hướng đến xuất khẩu
Các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình Hỗ trợ trồng rừng và Trang trại tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều khẳng định: Được sự hỗ trợ từ Chương trình Rừng và Trang trại của FAO, Hội NDVN đã triển khai Chương trình FFF từ 2015-2017. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các tổ chức trồng rừng phát triển sinh kế và tự ra quyết định trên diện tích rừng và trang trại của họ, với các nội dung như sau: Nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng về kỹ năng kinh doanh và tham gia vận động chính sách; tạo diễn đàn liên ngành; chia sẻ kinh nghiệm với khu vực và quốc tế.
Chương trình đã được triển khai tại 2 tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn. Năm 2017 chương trình mở rộng ra 2 tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên nhằm hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rừng và trang trại. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Gần 2.000 hộ nông dân trồng rừng và cán bộ Hội đã được hưởng lợi từ chương trình.
Qua đó, nông dân trồng rừng tham gia vào các Tổ hợp tác, hợp tác xã đã thấy được hiệu quả hợp tác thực sự, một số Tổ hợp tác đã phát triển lên thành các hợp tác xã và có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ để xuất khẩu; thu nhập của các hộ cũng đã tăng lên đáng kể từ 5-20%.
Tiêu biểu như: Hợp tác xã Bình Minh ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) có 60ha rừng keo, gồm 18 thành viên. Xưởng xẻ rộng 1000m2 với 10 máy xẻ đạt tiêu chuẩn xưởng CoC (hợp tác với Công ty Hòa Phát), hợp tác xã sản xuất từ 500-700m3/tháng. Mục tiêu của Hợp tác xã phấn đấu hàng tháng cung cấp cho đối tác từ 1000 - 1500 m3 gỗ thành phẩm /tháng cho các đối tác. Ngoài ra, thành viên Hợp tác xã còn tham gia trồng, chăm sóc, chế biến và kinh doanh gỗ keo.
Hay Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) tham gia trồng, chăm sóc, chế biến và xuất khẩu quế hữu cơ. Hợp tác xã hiện có 85ha quế trong tổng diện tích 700 ha quế của xã. Diện tích văn phòng làm việc và xưởng chế biến gồm 20.000m2 với 22 hộ thành viên tham gia.
Hợp tác xã liên kết với Công ty quế hồi Việt Nam sản xuất và xuất khẩu quế hữu cơ. Đến cuối năm 2017 hợp tác xã phấn đấu có 150 ha quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ (2018 là 500 ha), tạo việc làm cho 40-50 lao động tại địa phương.
Từ khó khăn, Tổ hợp tác Mạy Phấy, xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) hiện có 18 thành viên tham gia trồng, khai thác và chế biến gỗ mỡ, làm đường lâm nghiệp. Sản phẩm chính là gỗ mỡ với 66,7 ha. Các thành viên Tổ hợp tác đã đầu tư xưởng gỗ bóc, cung cấp cho thị trường 30m3/tháng.
Tổ hợp tác sản xuất rừng và chăn nuôi Khuổi Cóong, xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) gồm có 14 thành viên tham gia trồng chè theo tiêu chuẩn Viet Gap. Các thành viên cùng nhau trồng, khai thác và bán gỗ. Đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Tổ hợp tác tham gia làm 1,5km đường lâm nghiệp.
Hợp tác xã gà đồi Đông Thịnh, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) có 20 thành viên tham gia. Hợp tác xã hiện có 30 ha rừng và đồi trồng keo và bạch đàn. Các thành viên hợp tác xã chăn nuôi khoảng 200.000 con gà dưới tán rừng/năm. Hợp tác xã đang thực hiện chăn nuôi gà theo VietGap và làm thủ tục xây dựng cơ sở giết mổ, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp và siêu thị. Bên cạnh đó có 5/20 thành viên hợp tác xã tham gia nuôi cá giúp gia tăng thu nhập.
Thực hiện chương trình FFF tại Việt Nam có ảnh hưởng tích cực đối với các hợp tác xã, Tổ hợp tác. Qua đó giúp các thành viên hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm; các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị; thông tin thị trường về các sản phẩm.
Từ đó, tìm các công ty, tư thương thu mua với giá cao; hiểu hơn về kỹ thuật trồng, thu hoạch và chế biến. Đặc biệt là hiểu về lợi ích của chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững.Thông qua chương trình giúp nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp từ đó họ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các hợp tác xã, Tổ hợp tác, hội viên, nông dân.
Hội ND các cấp thấy rõ sự cần thiết và vai trò quan trọng của hỗ trợ các Hợp tác xã, Tổ Hợp tác sản xuất kinh doanh, nhất là trong vận động chính sách, cung cấp các thông tin về chính sách, thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đồng thời, chính quyền địa phương và các sở ban ngành liên quan có nhiều cơ hội làm việc với nông dân, Hội ND góp phần đẩy nhanh quá trình điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến nông dân, Tổ hợp tác; kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho nông dân.
Chủ tịch Hội ND tỉnh Yên Bái Hoàng Hữu Độ - Trưởng ban Quản lý Chương trình FFF tỉnh cho hay: Ban quản lý FFF tỉnh đề xuất và trực tiếp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực phù hợp với điều kiện sản xuất rừng và trang trại của địa phương. Xây dựng 8 dự án tài trợ nhỏ, được TW phê duyệt triển khai tại tỉnh 5 dự án. Đồng thời lựa chọn cử cán bộ, thành viên chủ chốt của các tổ nhóm, tổ hợp tác tham dự các lớp tập huấn cao năng lực do Trung ương tổ chức. Thông qua các hoạt động đã tạo điều kiện cho cán bộ Hội, thành viên Tổ hợp tác học hỏi nhiều kinh nghiệm, thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh.
Năm 2016, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND huyện Yên Bình phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tổ chức trên 100 buổi tuyên truyền. Kết quả đã thành lập 31 nhóm hộ, 494 hộ tại 05 xã. Đồng thời, liên kết với Công ty Cổ phần lâm sản Nam Định mời đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho 1737,5 ha.Tháng 6/2017, Chương trình hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Bình Minh, liên kết với công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ tiêu chuẩn, có chứng chỉ CoC để tiêu thụ gỗ FSC trên địa bàn huyện.
Thu nhập các hộ nông dân tăng thêm bình quân 5% thông qua FSC, đa dạng hóa sản phẩm. Các hợp tác xã gắn với chế biến, thu nhập các hộ tham gia tăng 10 ~ 20%. Năng lực sản xuất nông lâm nghiệp bền vững của người dân trực tiếp gắn với rừng được nâng cao. Ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, các cấp Hội chủ động liên kết, phối hợp xây dựng được 13 hợp tác xã, gần 50 Tổ hợp tác sản xuất nông lâm nghiệp hiệu quả.
Tại Bắc Kạn tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm 7,2% (năm 2016), hiệu quả thu nhập từ rừng trung bình theo chu kỳ khai thác 8 năm thu được khoảng 64 triệu đồng/ha.
“Tỉnh Bắc Kạn đã thành lập được 05 tổ hợp tác với tổng số 67 thành viên. Trong đó có 02 tổ hợp tác chế biến gỗ: Tổ hợp tác Khuổi Sliến, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) và Tổ hợp tác Mạy Phấy, xã Chu Hương (huyện Ba Bể) ; 02 tổ hợp tác trồng và chế biến chè gồm: Tổ hợp tác Khuổi Coóng, Nà Ngộm xã Chu Hương (huyện Ba Bể) ; 01 tổ hợp tác trồng và chế biến hồi Thạch Ngõa, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể)” - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn Lưu Văn Quảng chia sẻ.
Tiêu biểu như Tổ hợp tác trồng và chế biến tinh dầu Hồi Thạch Ngõa, xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể) được sự hỗ trợ của Chương trình FFF và đóng góp của các thành viên để mua lò chưng cất và nguyên liệu chế biến tinh dầu, đến nay chưng cất được 179 lít tinh dầu hồi. Ngoài ra, các Tổ hợp tác đã phối hợp với Ban Mặt trận thôn mở thêm được gần 13km đường, đóng góp 26,7 triệu đồng và công lao động để làm đường vào khu sản xuất.
Qua chương trình, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, lãnh đạo các Tổ hợp táccũng nâng lên, Hội ND tỉnh, huyện ưu tiên cho các Tổ hợp tác vay vôn Quỹ HTND, giới thiệu các địa chỉ cung ứng giống vật tư đảm bảo chất lượng; phối hợp với Ban quản lý chương trình TWtham quan mô hình trồng rừng rừng bền vững (FSC).
Đồng thời chương trình giúp người dân đã hiểu được lợi ích khi tham gia tổ hợp tác; cùng nhau hiến đất, góp công mở đường đến khu sản xuất; quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Tổ hợp tác. Các hộ đã mạnh đầu tư vào sản xuất kinh doanh như mạnh dạn mua máy móc thiết bị cho sản xuất; mua cây giống để đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho các thành viên lên 20%.
Hội ND tỉnh đề xuất, Ban quản lý dự án Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, kinh phí xây dựng mô hình để làm điểm tham quan học tập kinh nghiệm. Hội ND tỉnh tiếp tục phối hợp IFAD hỗ trợ thúc đẩy nâng cao năng lực cho các Tổ hợp tác, kết nối thị trường.
Ths. Phạm Thế Tấn- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Liên kết trồng rừng theo nhóm hộ hiện đang được xem như là một giải pháp hữu hiệu trong việc tổ chức quản lý sản xuất lâm nghiệp hiện nay. Các Tổ hợp tác trồng rừng muốn nâng cấp lên hợp tác xã cần phải có một quá trình hoàn thiện để đảm bảo một số điều kiện nhất định. Theo đó các Tổ hợp tác chưa đủ điều kiện thì không nên vội vàng nâng cấp tổ chức thành hợp tác xã.
Muốn duy trì tổ chức liên kết phải duy trì được tần xuất tham gia các hoạt động của các thành viên. Đây là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo duy trì sự tồn tại của tổ chức, nâng cao năng lực, và cải thiện điều kiện sinh kế theo hướng bền vững.Phải có đầu mối tổ chức hoạt động để huy động sự tham gia của các cơ quan chức năng và sự hỗ trợ từ các bên liên quan tại địa phương. Vai trò cầu nối và chủ động điều phối các hoạt động phối hợp của Hội ND các cấp khi tham gia FFF.
Sự tham gia hợp tác của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh giúp cho mô hình liên kết trồng rừng theo nhóm hộ có nhiều thuận lợi để đảm bảo chất lượng và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng là nguồn cung cấp thông tin thị trường tin cậy nhất và là nhà đầu tư trách nhiệm nhất.
Ưu tiên thành lập Hội Chứng chỉ rừng FSC là một yêu cầu rất cần thiết và quan trọng. Bởi Hội Chứng chỉ rừng mới có đủ tư cách đại diện các nhóm hộ trồng rừng xây dựng cơ chế huy động quỹ phục vụ công tác đánh giá hàng năm và cấp mới chứng chỉ; có đủ tư cách đại diện người trồng rừng đàm phán hợp đồng thu mua gỗ FSC với doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận: Cách thức tiếp cận và đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại; sự điều phối và hợp tác đa ngành, giữa Hội ND, các sở ban ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức liến quan, đối tác, doanh nghiệp; những kiến thức được học tập, áp dụng và chia sẻ; công tác truyền thông và tài liệu hóa; những đề xuất các sáng kiến để tiếp tục thực hiện chương trình…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều thay mặt lãnh đạo TƯ Hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Tới đây, TƯ Hội NDVN sẽ tiếp tục hỗ trợ các Tổ hợp tác, hợp tác xã triển khai các hoạt động để củng cố, phát triển bền vững; xây dựng mạng lưới liên kết giữa các Tổ hợp tác, hợp tác xã với các bên liên quan, nhất là doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho Tổ hợp tác, hợp tác xã; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội ND thông qua việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm; đẩy mạnh truyền thông về quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững.