Xem thêm: >>> Quyết định về đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Xây dựng nông nghiệp thông minh là bước phát triển tiếp theo của nông nghiệp công nghệ cao, trong đó công nghệ thông tin không chỉ được áp dụng vào một số khâu mà là toàn bộ quá trình sản xuất; thậm chí là cả những khâu sau sản xuất như sơ chế, đóng gói, bảo quản, phân phối… Trao đổi với báo chí, đại diện VNPT chia sẻ, VNPT đã có quá trình tìm hiểu, tham vấn các chuyên gia, để nhận thấy rằng việc triển khai nông nghiệp thông minh là việc bắt buộc.
Thực tế cho thấy, Việt Nam đang đứng trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, nhưng phần lớn là xuất thô với giá trị không cao. Để giải quyết vấn đề này, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, dần hình thành một nền nông nghiệp công nghệ cao. Tại Lâm Đồng, năng suất cà chua trung bình là 45 tấn/ha, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào một số khâu như tưới nhỏ giọt, giá thể… năng suất đã lên tới 200 tấn/ha.
Tại Việt Nam, hiện đã có rất nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin dành cho lĩnh vực nông nghiệp như: Đo đạc các thông số của môi trường không khí, độ ẩm đất, lượng mưa của Công ty MimosaTek; Hệ thống SmartAgri giúp quản lý sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn của Công ty Global Cyber Soft Vietnam…
Với VNPT, Tập đoàn đã đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture) hoàn chỉnh với đầy đủ các tính năng phục vụ cho cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Không chỉ giúp đo đạc các thông số của đất, môi trường, đề xuất thời gian tưới, thời gian chiếu sáng phù hợp theo từng giai đoạn cho các trang trại trồng trọt, giải pháp còn giúp các trang trại chăn nuôi quản lý các khâu như hệ thống cho ăn, chiếu sáng, thu hoạch trứng, thu gom phân, sưởi ấm… Nhờ được tích hợp công nghệ phân tích dữ liệu lớn, Smart Agriculture còn cho phép các chủ trang trại dự báo, chủ động trong việc hoạch định, sản xuất, vận chuyển, lưu kho... đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể. Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, giải pháp Smart Agriculture của VNPT đang được triển khai tại Dự án Delco Farm rộng hơn 6ha tại tỉnh Bắc Ninh. Dự án này được UBND tỉnh triển khai nhằm xây dựng một hệ thống nông nghiệp thông minh kết hợp với giáo dục và đào tạo.
Không chỉ đưa ra giải pháp cụ thể, VNPT cung cấp một nền tảng kết nối mở để tất cả các doanh nghiệp phần mềm có thể xây dựng các giải pháp dành cho ngành Nông nghiệp trên đó. Nền tảng kết nối thông minh này có tên gọi là Smart Connected Platform (SCP) - một giải pháp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ điện toán biên và các công nghệ tiên tiến nhất để kết nối, thu thập, quản lý, xây dựng và phân phối ứng dụng, thiết bị IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet), đồ vật, tài sản lên internet một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí. Theo đó, ngoài nông nghiệp, nền tảng SCP có thể triển khai ứng dụng cho nhiều ngành dọc khác nhau như: Y tế, giao thông, công nghiệp, năng lượng thông minh và thành phố thông minh. Hiện, SCP đã được chuẩn hóa, nâng cấp lên phiên bản 2.0 và được VNPT chia sẻ rộng rãi tại website thingxyz.net với mong muốn nền tảng này sẽ trở thành công cụ cho các nhà phát triển ứng dụng, các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị xây dựng giải pháp.
Theo HNM