Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Câu chuyện về nuôi dế làm giàu

Nhờ công việc độc lạ ở vùng quê mình mà ông Ba Hưng đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, được nhiều người nể phục.

Hơn 5 năm lăn lộn bằng nghề thợ xây ở khắp các công trình thủy điện Quảng Nam, nhưng cuộc sống vẫn chẳng khấm khá là bao. Năm 2005, một lần được tham quan các mô hình nuôi dế ở Củ Chi (TPHCM) rồi tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hưng đã quyết định theo đuổi con đường này.

Câu chuyện về nuôi dế làm giàu

>>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi dế mèn hiệu quả nhất

Nghĩ là làm, ông quyết định ở lại Nam học nghề, tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ côn trùng, bò sát để tích lũy kiến thức mai này về quê lập nghiệp. Không dừng lại trong nước, ông còn vay mượn tiền bạn bè, người thân sang Thái Lan tìm hiểu về cách thức nuôi, chọn giống, chế biến của nước bạn.

Thành quả của chuyến học tập là hàng ngàn trứng dế được mang tận nước Thái xa xôi về nuôi thử nghiệm tại Bình Dương. Với mô hình kiểu Thái, do ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông liên tục gặp thất bại và mất đứt hàng chục triệu đồng. Không nản lòng, với phương châm “trời không phụ người có công”, ông dần hoàn thiện quy trình nuôi dế của riêng mình.

Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông đã mang đàn dế của mình trở lại quê nhà Thanh Quýt. Ai cũng bất ngờ và bán tín bán nghi với nghề độc đáo này. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng chưa phù hợp nên ban đầu dế giống chết hàng loạt. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm cùng sự linh hoạt trong áp dụng và thay đổi kỹ thuật, ông đã thành công.

Ông Hưng cho biết: “Để dế phát triển tốt, ngoài tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, cần phải đa dạng các nguồn thức ăn mà chủ yếu là rau, cỏ. Sau khi tách đàn, số lượng dế trong chuồng sẽ được điều chỉnh phù hợp với quá trình tăng trọng của từng loại. Nhờ vậy, có thể tránh được nhiều dịch bệnh sau này và dế phát triển tốt hơn”.

Đến nay, ông Hưng đã có 6 trại nuôi dế với tổng diện tích gần 2.000m². Mỗi tháng ông xuất bán hơn 500 kg dế thịt với giá trị thị trường là 200 ngàn/kg. Bên cạnh đó, nguồn thu từ dế giống là 2.000 đồng/con cũng là phần thu nhập đáng kể.

Ngoài ra, những con dế không đạt yêu cầu, ông dùng nuôi rắn mối hoặc bán cho các cơ sở nuôi chim. Hiện tại, ông có 18 bể rắn mối, giá rắn thịt là 450 ngàn/kg, bán giống 15 ngàn/con.

Với điều kiện khí hậu miền Trung rất phù hợp cho rắn phát triển, việc nuôi rắn mối trong bể xi măng nền đất sẽ tạo cho con giống phát triển nhanh và thuận lợi sinh nở sau này.

Ông Hưng chia sẻ: “Nhờ sử dụng thức ăn là dế nên tôi không phải lo về thức ăn cho rắn mối. Bên cạnh đó, dế chứa nhiều chất đạm cần thiết cho rắn mối phát triển, chúng bổ trợ cho nhau hiệu quả. Với việc cho ăn đủ chất, môi trường sống tốt sẽ cho con giống phát triển nhanh, hiệu quả, tránh bệnh nấm và bại liệt về sau”.

Ngoài phát hành các tập sách để hướng dẫn nuôi loại côn trùng này, ông Hưng còn tỉ mẩn mọi thao tác như cách vệ sinh dế, kỹ thuật đẻ, úm con... cho nhiều hộ nông dân huyện Đại Lộc, Duy Xuyên… tìm hiểu. Trại của ông hiện cũng nhận thu mua dế sống từ các trang trại vệ tinh mà ông từng hướng dẫn, hỗ trợ để tạo điều kiện cho họ phát triển.

Với nhu cầu rất lớn từ thị trường, hiện trại dế của ông Ba Hưng đã phủ rộng khắp toàn quốc. Sự đa dạng từ dế vàng đến dế cơm, dế chó của ông rất được thị trường ưa chuộng, có lúc hàng không đủ giao cho khách.

Ông Trương Công Liên - Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Thắng Trung - nhận xét: “Mô hình nuôi dế và rắn mối của anh Hưng rất hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao, là tấm gương vượt khó vươn lên cho mọi người học hỏi. Địa phương cũng đang tích cực vận động các hội viên nông dân học hỏi theo mô hình của anh Hưng để phát triển kinh tế gia đình và địa phương”.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng