Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Tổng hợp các bệnh thường gặp trên cây khoai môn, khoai sọ

Bệnh sương mai và bệnh khảm lá là 2 bệnh thường gặp có thể gây tác hại đối với khoai Môn, khoai Sọ ở Việt Nam. Sau đây là một số loại sâu bệnh hại chính và cách phòng trừ trên khoai môn, khoai sọ.

Bệnh sương mai

Triệu chứng: Triệu chứng ban đầu của bệnh là các vết bệnh trên lá với những đốm nhỏ hình tròn màu tái xanh, sau đó vết bệnh lan rộng theo đường tròn và hình thành vết bệnh điển hình với các vết chết hoại màu nâu và có viền đồng tâm. Sau khi vết bệnh xuất hiện 1-2 ngày thường có hiện tượng chảy gôm trên cáo đường viền và mép vết bệnh. Sau một thời gian giọt gôm khô lại thành những giọt màu nâu ở cả 2 mặt của vết bệnh. Các vết bệnh có thể phát triển, lan rộng với đường kính từ 3,0 – 5, 5cm. Khi vết bệnh bị hoại tử hoàn toàn, ở trung tâm vết bệnh thường có màu nâu đậm, đôi khi màu đen, rất giòn và có thể mục nát. Vết bệnh có thể phát triển đan xen vào nhau và làm cho toàn bộ bộ lá bị tàn lụi.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai sọ cho năng suất cao

Tổng hợp các bệnh thường gặp trên cây khoai môn, khoai sọ

Tác nhân gây bệnh: Là nấm thuộc loài Phytophthora Colocasiae Racib, loại nấm sương mai (Phytophthora) họ Pythiaceae, bộ nấm sương mai (Peronospolales) lớp nấm tảo (Phycomycetes).

Phòng trừ : áp dụng những biện pháp sau Sử dụng nguồn vật liệu trồng (củ giống, chồi…) sạch bệnh để trồng. Chọn lọc các giống có khả năng chống chịu bệnh để trồng ở các vùng dịch bệnh thường có tiềm năng bùng phát hoặc thường bị dịch bệnh ở các vụ trước.

Bón cân đối phân chuồng và phân bón hoá học kết hớp trồng đảm bảo mật độ, vun tạo vồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác để tạo cho cây khoẻ mạnh. Phát hiện để loại trừ nguồn bệnh đầu tiên trên đồng ruộng gồm tàn dư cây bệnh còn sót lại từ vụ trước hoặc các cây mới bị nhiễm bệnh.

Hiện nay nhiều giống có tiềm năng năng suất cao phẩm chất tốt nhưng không có khả năng kháng bệnh vẫn được trồng phổ biến ở các vùng. Cần chủ động các biên pháp để phòng trừ bệnh. Khi phát hiện thấy bệnh có xu hướng phát triển có thể phun một số thuốc như Boocđô 1%, Daconil 75WP 0,2%, Rhidomil MZ 0,2%.

Bệnh khảm lá

Bệnh khảm lá khoai Môn ( Dasheen mosaic vius) phổ biến ở tất cả các nước có trồng khoai Môn và khoai Sọ trên thế giới (Jackson, 1980). Ở miền Bắc nước ta bệnh phổ biến ở tất cả các vùng có trồng khoai Môn và khoai Sọ.

Nguyên nhân: Bệnh khảm lá xuất hiện ngay từ khi cây mới mọc và đạt cao điểm vào 80 – 100 ngày sau trồng với mức độ bệnh có thể đạt 12 – 30% hoặc cao hơn. Triệu chứng bệnh thể hiện không rõ, thậm chí mất hẳn sau trồng 130 ~ 140 ngày.

Hầu hết các triệu chứng khảm trên Môn, Sọ đều do virut Dasheen mosaic virus (DMV) gây ra. Virut gây bệnh thuộc nhóm Potyvirus, họ Potyviridae. Phần tử virut có dạng sợi dài, mềm, kích thước 11 x 750nm. Axit nucleic của nhân là ARN.

Ký chủ của virut là các cây thuộc họ ráy (Araceae) như cây Nưa (Amorphophallus), Ráy (Alocasia), Mùng (Xanthosoma)… Virut lan truyền bằng nhiều loại rệp theo phương thức không bền vững (non – persistent). Bệnh cũng lây lan mạnh qua vật liệu trồng như củ giống, chồi… Xử lý nhiệt không loại trừ được virút từ cây ký chủ nhưng dùng phương pháp nuôi cấy đỉnh sinh trưởng (meristem) có thể dễ dàng loại trừ được virut.

Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên đồng ruộng trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là xuất hiện hiện tượng mất màu hoặc màu vàng hình chân chim xen kẽ với các đám lá có màu xanh trên phiến lá và dọc theo gân lá. Ngoài ra bệnh còn làm lá bị biến dạng. Hiện tượng khảm lá được biểu hiện dưới một số dạng triệu chứng khác nhau như khảm gân xanh lá vàng, khảm lông chim và biến dạng lá. Các cây bị nhiễm dạng bệnh khảm lá biến dạng thường có các lá cuốn lại hoặc bị biến dạng một phần hoặc biến dạng toàn bộ phiến lá. Lá bị bệnh không những biểu hiện triệu chứng biến dạng mà còn xuất hiện các vết khảm màu xanh đậm lẫn các đám màu vàng hoặc mất màu. Cây bị khảm biến dạng thường rất còi cọc.

Bênh khảm lá có thể làm giảm 30% diện tích lá dẫn đến giảm sút khả năng quang hợp của cây. Cây bị bệnh giảm khả năng đẻ nhánh, hạn chế sức nảy mầm của oi, làm cây phát triển còi cọc và làm giảm số củ/khóm. Bệnh không những gây tác hại làm giảm năng suất mà còn làm củ giỏng giảm sức sống, làm lây truyền bệnh sang vụ sau và gây ra hiện tượng thoái hoá giống.

Biện pháp phòng trừ:

Dùng nguồn vật liệu khoẻ chọn từ các khóm sạch bệnh để trồng. Có thể tạo nguồn vật liệu trồng sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô. Nhổ bỏ các cây bị bệnh trên đồng ruộng. Phun phòng trừ rệp môi giới truyền bệnh để hạn chế sự lây lan trên đồng ruộng bằng một số thuốc như Padan 95EC (0,8 l/ha) ; Polytrin 400EC (0,7 l1/ha), Supresis 40EC (1,2 l/ha).

Sâu khoang (Spodontera litura Fabr)

Sâu khoang là loại sâu đa thực, gây tác hại khá phổ biến trên khoai Môn, Sọ và nhiều loại cây trồng khác.

Sâu khoang thuộc bộ cánh vẩy (Lepidoptera), họ ngài đêm (Noctuidae). Có nhiều loài sâu khoang khác nhau nhưng phổ biến nhất là Spodoptera litura. Khi dịch sâu khoang xuất hiện toàn bộ chất xanh lá Môn, Sọ có thể bị sâu ăn hết, chỉ chừa lại gân lá.

Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, tơi, ải trước khi trồng. Làm cỏ vun xới thường xuyên. Sau khi thu hoạch thu gom các tàn dư cây trồng để đốt hoặc làm phân. Dùng bả chua ngọt để bẫy bướm khi chúng ra rộ. Trồng cây dẫn dụ để thu hút sâu và thiên dịch. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện ngắt ổ trứng hoặc bắt sâu non.

Chia sẻ
NỘI DUNG CHÍNH
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng