Sau khi tách ra từ bộ phận nông nghiệp của Tập đoàn DowDuPont (Mỹ) và niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào đầu tuần này, đại diện công ty Corteva Agriscience khẳng định sẽ chi thêm một khoản tiền lớn để mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường Việt Nam. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Peter Ford, người đứng đầu công ty này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết Việt Nam là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược thúc đẩy doanh số toàn cầu.
>>> Xem thêm: Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khát vốn
Nông trại của Corteva Agriscience.
"Việt Nam năm ngoái cùng 15 quốc gia châu Á khác đóng góp hơn 10% doanh số, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi những năm trước đó chỉ trên dưới 8%. Chúng tôi thấy được tiềm năng tăng trưởng nhanh và những yếu tố hấp dẫn tại thị trường này như lực lượng lao động nông nghiệp lớn, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đang dần phổ biến, khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi (đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) để phát triển các loại giống lai chủ lực như gạo, ngô...", ông Peter cho hay.
Chiến tranh thương mại leo thang khiến hoạt động của Corteva Agriscience tại Trung Quốc có thể không như kỳ vọng. Do đó, công ty này cũng đang cân nhắc về khả năng dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào Việt Nam để hạn chế ảnh hưởng theo xu hướng chung.
Theo ông Peter, nông nghiệp Việt Nam đang có sức hút rất lớn với các công ty nông nghiệp, dù số liệu thống kê phần lớn cho thấy cơ cấu kinh tế đang theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành này. Điều này minh chứng bằng việc một số tập đoàn trong nước bắt đầu đầu tư bài bản để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khép kín chuỗi giá trị các sản phẩm đặc trưng như lúa gạo, cây ăn trái, gia súc gia cầm... Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại như Mỹ và Nhật cũng cũng liên tiếp rót vốn bằng hình thức mua cổ phần, mua bán sáp nhập, thành lập công ty riêng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Corteva Agriscience châu Á - Thái Bình Dương cho biết hầu hết công ty nông nghiệp nước ngoài đều phải đối mặt với hai vấn đề lớn khi thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam là nông dân lo ngại về chất lượng giống cây trồng mới và hạn chế nguồn vốn để tiếp cận các phương thức canh tác tiên tiến.
"Nguồn vốn chúng tôi rót vào trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết các vấn đề này cho nông dân Việt Nam, thử nghiệm và tăng cường nhận thức cho họ về hạt giống lai mới; canh tác tiết kiệm không gian, giám sát vùng trồng bằng máy bay không người lái... với cam kết năng suất tăng đến 15%", vị này nói.