Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Đặc sản bưởi Diễn giúp nông dân thoát nghèo

Từng phải chạy khắp làng để vay gạo ăn do đói nghèo nhưng với khát vọng làm giàu luôn bùng cháy, ông Nguyễn Thế Hùng (sinh 1960), thôn Pác Sung (xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã “bứt phá”, thành hộ nông dân giỏi, hộ giàu nhờ trồng bưởi Diễn-giống bưởi đặc sản của Hà Nội.

Năm 1964, ông Nguyễn Thế Hùng cùng bố mẹ rời nơi “chôn rau cắt rốn” ở xã Mình Khai (huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội) lên khai hoang vùng kinh tế mới ở mảnh đất thân thương Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước khi ông mới có 4 tuổi.

Theo lời kể của ông Hùng, năm 1981, ông đi bộ đội và đóng quân ở Sư đoàn 345 (xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Sau khi ra quân, ông Hùng dầm mưa dãi nắng lao vào cấy ruộng để nuôi gia đình bé nhỏ. Những giọt mồ hôi mặn chát rơi xuống và đọng lại trong ruộng để ươm mầm xanh cho cây lúa.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng bưởi da xanh thu quả quanh năm

Đặc sản bưởi Diễn giúp nông dân thoát nghèo

Mặc dù làm việc cật lực “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám víu lấy gia đình ông. Để có gạo nuôi vợ con qua ngày, ông Hùng chạy vay gạo khắp thôn, khi đến mùa thu hoạch, ông mới đem gạo trả nợ cho bà con.

Mang trong mình phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, không chịu khuất phục trước đói nghèo, ông Hùng tìm mọi cách, làm đủ mọi cách để kiếm kế sinh nhai: Từ trồng xoài, trồng mơ nhưng do đầu ra không có nên trồng xong ông lại chặt phá. Sau xoài, mơ, ông Hùng chuyển sang trồng nhãn Hưng Yên và cuộc sống ông bắt đầu vơi dần khó khăn từ đó do thương lái đến tận nơi thu mua nhãn về làm long nhãn.

Năm 1998, trong một lần về Minh Khai, Từ Liêm đám cưới đứa cháu, ông Hùng được thưởng thức giống bưởi Diễn thơm ngon, ngọt nước và cơ duyên đưa ông làm giàu từ bưởi Diễn cũng bắt đầu từ đây.

Quá ấn tượng với giống bưởi Diễn, ông Hùng liền học hỏi kỹ thuật trồng và xin 4 cây con về trồng thử. Thời gian thấm thoát trôi qua, những cây bưởi Diễn ngày nào đã đơm hoa, bói quả. Nếm thử quả bưởi Diễn trồng trên đất Pắc Sung, ông Hùng thấy vị ngon ngọt không kém gì bưởi Diễn trồng ở đất Minh Khai - Từ Liêm.

“Thôn Pắc Sung có đất phù sa pha cát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp trồng bưởi Diễn. Thấy vậy, tôi chặt bỏ hết vườn nhãn Hưng Yên làm củi và chiết dần từ 4 cây ra trồng nhân rộng. Đến nay, toàn bộ vườn bưởi Diễn nhà tôi có 130 cây, trong đó 100 cây đã cho thu hoạch quả. Hiện, mỗi cây bưởi cho trung bình 200 quả. Đặc biệt, một số cây to cho quả sai từ 400 – 600 quả/cây” – ông Hùng phấn khởi.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng bưởi Diễn, ông Hùng cho biết: Đào hố vuông 40x40, sâu 45; sau đó rải phân chuồng đã ủ hoai mục xuống, rắc lớp đất mỏng lên trên rồi đặt bầu xuống và tưới nước đầy đủ cho cây. Khi cây ra quả mà có 4 – 5 quả trên một chùm thì phải bứt đi những quả nhỏ, để những quả đều và to. Làm vậy cây sẽ đều quả và không bị gãy cành.

Theo ông Hùng, trồng bưởi Diễn phải bón đầy đủ phân Lân đầu trâu, phân Kali định kỳ cho cây, lưu ý chỉ được bón theo tán không được bón thẳng trực tiếp vào gốc. Điều quan trọng, với bưởi Diễn phải có nước tưới đầy đủ thì quả mới chất lượng, nếu thiếu nước quả sẽ bị khô múi, ăn không ngon.

“Với giá bán dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí phân bón, năm nào tôi cũng lãi trên trăm triệu từ bưởi Diễn. Xác định bưởi Diễn là cây trồng chủ lực của gia đình, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục chiết cành để nhân rộng diện tích, đem lại thu nhập cho gia đình” – ông Hùng thông tin.

Bên cạnh trồng bưởi Diễn, ông Hùng còn đào ao với diện tích rộng 1.400 m2 thả cá trắm và cá rô phi đơn tính. Mỗi năm từ bán cá, ông Hùng cũng thu được từ 40 – 50 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Ma Ngọc Hưng – Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Hạ, cho hay, ông Hùng là hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên bưởi Diễn nhà ông Hùng trồng cho chất lượng quả rất ngon.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng