Ông Tâm đã từ bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng ở lại quê chọn con đường mô hình nuôi lươn sinh sản, bán lươn giống nhân tạo.
Đó là hành trình không dễ dàng, vì chưa có kỹ thuật nuôi lươn và kinh nghiệm nuôi lươn, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm tìm tòi học hỏi và sự ủng hộ của người thân, ông Bành Minh Tâm, nông dân ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng) đã đem lại thành công bước đầu với sự đam mê của mình.
Kể lại quá trình nuôi lươn, ông Tâm cho biết, sau thời gian tìm hiểu các mô hình làm kinh tế hiệu quả, ông nhận thấy lươn là loài thủy sản rất được thị trường ưa chuộng bởi có giá trị dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, do nhu cầu lớn và việc đánh bắt lươn tự nhiên theo kiểu tận diệt, lươn ngoài tự nhiên ngày càng ít đi. Vì thế, đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển nghề nuôi lươn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng và có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đầu năm 2021, ông quyết định chọn mô hình nuôi lươn sinh sản, bán lươn giống để khởi nghiệp, bước đầu là nuôi lươn sử dụng thức ăn công nghiệp (hình thức nuôi lươn không bùn). Tuy nhiên, thời điểm này, các tài liệu tham khảo về khoa học kỹ thuật nuôi lươn như sách báo, cẩm nang chưa nhiều….
Do vậy, người nuôi lươn không nắm chắc được kỹ thuật để áp dụng vào thực tế. Thiếu kinh nghiệm, kế đến là con giống không đạt chất lượng do thu mua từ nhiều nguồn đánh bắt ngoài tự nhiên của người dân, hay lươn giống tự nhiên thuần dưỡng không đảm bảo nên sau khi thả nuôi, tỷ lệ hao hụt quá cao.
Hơn nữa trong thời điểm đó đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid – 19, lươn đến lúc xuất bán nhưng không bán được cho thương lái đến thu mua được, ông đành bán lẻ cho bà con xung quanh với giá rẻ để thu hồi vốn được phần nào hay phần đó. Đợt lươn nuôi đầu tiên của ông bị thua lỗ nặng.
Lươn thịt nuôi không bùn trong bể xi măng tại gia đình ông Tâm, nông dân ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang)
>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi lươn không cần bùn
Không nản chí và sự đam mê, trong số lươn ấy ông chọn được 200 con lươn bố mẹ để sản xuất lươn giống. Khi đó ông cũng chưa có kinh nghiệm hay kỹ thuật gì cả nên ông cũng dành thời gian tìm tòi, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi lươn không bùn từ cán bộ Khuyến nông xã, trên internet, báo, đài mô hình sinh sản lươn giống.
Lần nuôi này, bước đầu ông thành công nhưng hiệu quả chưa cao. Ông Tâm nảy ra ý định tự sản xuất lươn giống để nuôi lươn thương phẩm. Tuy nhiên, do kỹ thuật chăm sóc chưa cao, tỷ lệ lươn đẻ rất ít.
Thất bại nối tiếp thất bại, được hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, lúc này vợ, chồng ông càng quyết tâm hơn để vượt qua khó khăn, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nuôi.
Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, mô hình nuôi lươn sinh sản, bán lươn giống của ông bước đầu có tín hiệu khả quan. Tỷ lệ trứng lươn nở thành lươn con khá cao.
Hiện tại, diện tích nuôi lươn nhà ông: Lươn bố mẹ rộng 48 m2, lươn thương phẩm 24 m2. Ông Tâm cho biết thêm, năm 2021, nhà ông sản xuất bán ra thị trường được 50.000 con lươn giống và 600 kg lươn thương phẩm. Tổng thu từ mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình ông Tâm là 308.000.000 đồng, sau khi trừ các chi phí lợi nhuận mang về hơn 215.380.000 đồng.
Ông Tâm chia sẻ, muốn sinh sản lươn giống thành công phải áp dụng một số kinh nghiệm sau:
Một là, nguồn lươn bố mẹ nên mua từ các hộ nuôi ở các nơi khác nhau để tránh hiện tượng cận huyết. Không nên mua lươn bố mẹ thu gom ngoài tự nhiên để tránh mua phải lươn dùng xung điện hoặc đánh bắt bằng thuốc.
Hai là, khi chọn lươn bố mẹ cần quan sát, đối với lươn thành thục da bụng lươn cái mỏng, bụng hơi phình to do buồng trứng phát triển, lỗ sinh dục hơi dẹt và hồng. Vì vậy lươn khi mua về phải đạt từ 10 tháng nuôi trở lên và có trọng lượng từ 30g đến 100g là tốt nhất.
Ba là, khi vận chuyển lươn về trước khi thả vào bể nên đổ lươn ra chậu hoặc thau lớn cho lươn nghỉ 1 – 2 giờ, sau đó dùng nước muối 5% hoặc thuốc tím 1 – 2g/m3 tắm 30 phút để loại bỏ nấm và ký sinh trùng, tiếp tục ngâm vitamim C 5 – 10g/m3 trước khi thả vào bể. Mật độ thả là 8 – 10 con/m2, không bố trí quá dày vì khi sinh sản lươn quậy ổ sẽ làm sụp đất trong bể.
Bốn là, thức ăn cho vào sàn ăn đặt vào vị trí cố định trong bể, sau khi cho lươn bố mẹ ăn khoảng 2 giờ, kiểm tra lượng thức ăn trong sàn ăn, nếu còn dư nên vớt bỏ để tránh ô nhiễm nguồn nước. Tùy vào mức độ ô nhiễm của nước trong bể mà có thể thay định kỳ 1 lần/tuần. Tùy vào chất lượng lươn bố mẹ khi thả nuôi, sau thời gian nuôi vỗ 1 - 2 tháng thì lươn bắt đầu sinh sản.
Mật độ ấp trứng lươn theo ông Tâm là 3.000 – 3.500 trứng/m2 .
>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi lươn đạt hiệu quả cao
Sau khi bố trí lươn bố mẹ vào bể khoảng 10 – 15 ngày thì lươn sẽ bắt đầu đẻ, khi thấy tổ bọt xuất hiện trên miệng hang hoặc trên mặt nước, tổ bọt lớn dần vào chiều tối thì sáng hôm sau lươn đã đẻ. Cần chú ý quan sát để phát hiện sớm những đám bọt này, căn cứ vào màu sắc của đám bọt để tiến hành thu trứng lươn: khi kiểm tra tổ có bọt màu trắng - lươn bố mẹ mới làm tổ, trứng mới đẻ màu vàng chanh, không nên thu.
Tốt nhất là thu những tổ bọt có màu vàng đậm đến màu nâu hoặc trắng đục, đây là giai đoạn trứng đã có phôi phát triển và một số đã nở.
Dùng vợt thu hết phần bọt này cho vào thau, trứng vớt lên thường có lẫn bùn đất nên rửa nhẹ nhàng nhiều lần bằng nước sạch.
Nước để ương được sử dụng là nước sạch, đã được sát khuẩn và lắng lọc 2 ngày trước khi đưa vào bể ấp. Dùng khay nhựa có chứa nước sạch và sục khí nhẹ, để cung cấp đủ oxy cho trứng, lươn bột phát triển.
Nhiệt độ nước ấp trứng thích hợp nhất từ 28 – 30oc. Thay nước 2 – 3 lần/ngày. Thường xuyên theo dõi và vớt hết trứng ung ra khỏi khay ấp tránh làm ô nhiểm nước trong khay ấp. Sau 5 ngày trứng bắt đầu nở, 2 – 3 ngày thì nở hết hoàn toàn, trong thời gian này sục khí phải được duy trì liên tục. Lươn nở được 4 – 5 ngày thì chuyển sang bể ương.
Bể nuôi lươn bố mẹ trong khu nuôi lươn sinh sản, nuôi bán lươn giống của gia đình ông Tâm, nông dân ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang).
>>> Xem thêm: Tìm hiểu Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong bể bạt
Khi lươn có sắc tố nâu đen, có thể bắt mồi bên ngoài cung cấp thêm giá thể là dây nilon xé nhỏ tạo nơi trú ẩn cho lươn và sục khí liên tục nhằm tăng cường oxy cho lươn bột.
Thức ăn chính của lươn bột là trứng nước hoặc trùn chỉ, thức ăn chiếm 5% trọng lượng thân, cho ăn 4 lần trong ngày và thay nước trước khi mỗi lần cho lươn ăn.
Sau 30 ngày thì lươn có thể ăn trùn quế băm nhỏ, thời điểm này nên bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để tăng cường sức đề kháng cho lươn con. Sau khi cho lươn ăn 1 giờ kiểm tra lượng thức ăn thừa trong sàn ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp.
Định kỳ 1 tuần/lần nên tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi tăng lượng thức ăn: Tăng 15 – 25% so với lượng thức ăn của kỳ trước.
Khi lươn được 1 tháng tuổi thì định kỳ 2 tuần/lần phân cỡ lươn giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế phân đàn, cạnh tranh mồi. Sau thời gian ương khoảng 60 – 75 ngày, kích cỡ đạt 500 – 600 con/kg, lúc này lươn hoàn toàn đã sử dụng thức ăn công nghiệp.
Mô hình nuôi lươn sinh sản, nuôi lươn giống của ông Tâm là một trong những bước đi đột phá. Dù nhiều lần gặp khó khăn nhưng ông Tâm vẫn kiên trì học hỏi, đúc kết kinh nghiệm để đạt được thành công như hôm nay.
Ông sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi lươn cho người dân khi có nhu cầu nuôi lươn để tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Theo Dân Việt