Tương tự kỹ thuật trồng cà phê ở Tây Nguyên, cách trồng cà phê xanh lùn cũng bao gồm các kỹ thuật: chọn đất, chuẩn bị đất trồng, thiết kế vườn cây, đào hố, trộn phân, trồng cây đúng khoảng cách mật đột và quy trình chăm sóc cà phê xanh lùn...
>>> Xem thêm: Kỹ thuật xen canh cà phê và mắc ca
1. Đất trồng cà phê xanh lùn
Loại đất thích hợp nhất để trồng cà phê xanh lùn là loại đất tơi xốp, tầng đất dày, giàu dinh dưỡng và dễ thoát nước. Trong trường hợp trước đó là 1 kỳ trồng cà phê xanh lùn rồi thì bà con cần cải tạo kỹ lưỡng, cung cấp chất đất sạch, mới để sử dụng. Đặc biệt lưu ý bà con không nên trồng cà phê xanh lùn ngay sau 1 kỳ trồng cà phê trước nếu kỳ trước cây bị thối rễ, thay vào đó hãy luân canh một vụ với cây trồng khác rồi mới đưa cà phê xanh lùn mới vào trồng.
Sau khi đã chọn được đất trồng cà phê xanh lùn tốt, bà con tiến hành đào hố rộng 40cm, sâu 50cm. Trộn đều đất vừa đào với 10kg phân hữu cơ hoai mục và 0.5kg lân rồi lấp xuống hố. Tưới nước ẩm hàng ngày để đất sau khoảng 1 – 2 tháng mới tiến hành trồng cà phê xanh lùn.
2. Kỹ thuật thiết kế vườn cà phê xanh lùn
Trong các kỹ thuật trồng cà phê năng suất cao thì vườn cây được thiết kế như thế nào cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn cũng cần đảm bảo một số yêu cầu về thiết kế vườn cây như sau:
- Đảm bảo chống xói mòn vào mùa mưa bão.
- Đủ trang thiết bị bảo vệ cây cà phê chống lại các yếu tố gây bất lợi từ môi trường, khí hậu, thời tiết.
- Các hoạt động chăm sóc và vận chuyển cần được cơ giới hóa.
- Thiết kế vườn thành từng lô lớn, mỗi lô lớn dưới 20ha trong đó cạnh dài của những lô lớn song song với đường đồng mức. Trong mỗi lô lớn lại chia thành những lô nhỏ (1ha) để tiện chăm sóc và quản lý.
- Xung quanh các lô lớn là đai rừng và và đường vận chuyển chính rộng từ 7 – 8m, đường phụ giữa các lô rộng khoảng 5m.
- Trong trường hợp cà phê xanh lùn trồng trên vườn diện tích nhỏ thì bà con không cần thiết phải phân lô cũng được nhưng vẫn phải trồng theo đường đồng mức.
3. Cách trồng cà phê xanh lùn
Cà phê xanh lùn thích hợp trồng nhất vào đầu mùa mưa để đảm bảo đủ lượng nước cần thiết mà không tốn công đưa nước vào vườn. Mật độ trồng thích hợp nhất là khoảng 1.330 cây/ha, mỗi cây trồng 1 hố.
Dùng cuốc mổ lỗ giữa hố trồng rộng 15cm, sâu 25cm. Xé nilon ở bầu cây giống rồi đặt nhẹ nhàng vào giữa, giữ vị trí thẳng đứng lấp đất ngang mặt bầu và nèn chặt bằng tay. Trồng xong đánh bồn xung quanh hố trồng, ủ rơm rạ quanh gốc dày 20cm, cách gốc 20cm rồi phủ lớp đất mềm lên trên. Phun thuốc trừ sâu chống mối loại Confidor 100SL.
Vào mùa mưa có thể không cần che túp nhưng vào mùa nắng phải tiến hành che túp xung quanh chống gió, chống rét.
4. Chăm sóc cà phê xanh lùn
Chăm sóc đúng cách cũng là yếu tố quan trọng trong kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn. Thông thường sau khoảng nửa tháng cây cà phê có thể bị chột hoặc chết mất một số cây nên bà con chú ý để trồng dặm bổ sung kịp thời. Kỹ thuật trồng dặm cũng tương tự cách trồng cà phê xanh lùn mới nhưng quá trình trồng dặm phải kết thúc trước khi hết mùa mưa 1.5 đến 2 tháng nếu không sau đó chăm sóc sẽ rất vất vả.
Thường xuyên loại bỏ cỏ dại để cây không bị cỏ ăn hết dinh dưỡng, có thể sử dụng thuốc hóa học để diệt một số loại cỏ khó làm thủ công như cỏ gấu, cỏ tranh... Ngoài ra, bà con cũng chú ý tủ gốc thường xuyên vừa giảm công làm cỏ lại vừa giữ được nước, điều hòa độ ẩm, độ tơi xốp cho đất.
5. Chế độ bón phân cho cà phê xanh lùn
Để đảm bảo đúng kỹ thuật trồng cà phê xanh lùn, mỗi năm bà con bón phân hữu cơ 1 lần ngay sau vụ thu hoạch. Áp dụng lượng bón khoảng 5 đến 10kg cho mỗi gốc, kết hợp với 0.5kg phân lân.
Lưu ý không bón trực tiếp vào gốc cây mà bón cách gốc khoảng 30cm. Đào rãnh rộng 20cm, sâu 20cm xung quanh gốc cây rồi bón phân vào, lấp đất che phủ. Trước mỗi lần bón phân cần làm cỏ sạch sẽ để dinh dưỡng không bị cỏ hấp thụ hết.