Đặc điểm của cây dâu tây
Cây thuộc loại thân thảo, thân ngắn, dây bò, nhiều lá mọc gần nhau. Đa số lá cây là lá kép với 3-5 lá chét, mép lá có răng cưa; cuống lá dài màu trắng khi còn non và chuyển đỏ khi lá già.
Cây ra hoa trắng, 5 cánh tràng mỏng, hơi trong. Hoa lưỡng tính tự thụ phấn, có 25-30 nhị và 50-500 nhụy. Cây kết quả hình hơi bầu dục thuôn nhọn trên đầu, quả non màu xanh lục, quả chín màu hồng hoặc đỏ. Quả có mùi thơm, vị ngọt xen lẫn chua rất ngon. Cây sai quả, có hạt nhỏ li ti nằm bề mặt ngoài của quả nên rất dễ nhân giống.
Bạn có thể trồng cây này quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất vẫn là khoảng tháng 4 và tháng 5. Cây được trồng sau khoảng 2 tháng, bạn có thể thu hoạch những trái dâu chín mọng đầu tiên.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng Dâu Tây sai quả ngay tại nhà
Trồng dâu tây bằng hạt
Chuẩn bị trước khi trồng
- Chọn hạt giống
Cây dâu tây có rất nhiều giống khác nhau như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand. Hầu hết các giống này đều cho hoa và quả quanh năm. Tuy nhiên, mỗi loại lại có đặc tính sinh lý và điều kiện nhiệt độ khác nhau. Dù chọn theo yêu cầu và sở thích của mình nhưng dù giống nào đi chăng nữa thì việc lựa chọn giống dâu tây phải dựa vào các yếu tố như hạt phải có tỷ lệ nảy mầm cao, còn chọn cây phải từ 10 – 15cm chắc khỏe, không sâu bệnh, cây phát triển đều.
Nếu bạn mua hạt giống tại các cửa hàng thì cần lưu ý những hạt giống này phải còn hạn sử dụng, bao bì vẫn còn nguyên, không rách, ẩm,…
- Chọn chậu
Để trồng cây dâu tây tại nhà thì bạn có thể làm luống đất ngoài vườn để trồng hoặc trồng chậu. Việc quan trọng là nên chọn lựa chậu phù hợp. Trường hợp trồng ở chậu nhỏ thì số lượng cây phải ít, và cần thường xuyên thay chậu hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng bình thường của cây. Do đó, nên chọn loại chậu có đường kính khoảng 20 cm là thích hợp nhất. Sử dụng chậu dài hoặc máng dài hoặc chậu treo lớn cũng là ý kiến khá hay. Khi cây ra quả, quả sẽ được thả sang hai bên chậu, không tiếp xúc với mặt đất, chất lượng và màu sắc quả sẽ tốt hơn.
- Chuẩn bị đất
Đất trồng phải đảm bảo được các yếu tố như: phải là loại tơi xốp, đất hữu cơ, hoặc đất thịt nhẹ giàu dinh dưỡng, sạch và giữ được ẩm cũng như thoát nước tốt. Cũng có thể dùng đất tribat hoặc dùng đất thường trộn thêm phân bón và xơ dừa, tro trấu.
Trước khi trồng cây nên trộn thêm phân chuồng đã ủ hoai, sơ dừa, cho chấu cùng với đất để đất tơi xốp lâu hơn. Sau mỗi vụ thu hoạch quả hoặc cây đẻ nhánh nên xới đất xung quanh cho cây, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng cách bón thêm phân.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
. Gieo hạt
Tiến hành gieo hạt vào chậu khoảng cách giữa các hạt đều nhau, có thể chia luống để cây có thể phát triển tốt hơn. Đặt chậu ở nơi khô ráo, thoáng mát có đủ ánh nắng mặt trời tránh ánh nắng trực tiếp. Phủ lên chậu một ít rơm hoặc cây khô.
Sau khi hạt nảy mầm thành cây con, bạn đợi cây ra khoảng 3-4 lá, đủ khỏe, cứng cây thì có thể tách ra chậu riêng để trồng. Lưu ý đặt cây thẳng với mặt đất, đào lỗ đủ sâu để lấp hết bầu rễ của cây, tránh làm vỡ bầu cây con. Cây thường héo do mới tách hoặc do đứt rễ khi trồng, do vậy bạn nên dùng bìa, xốp, … che nắng cho cây trong vòng 2-3 ngày đầu.
- Vị trí đặt chậu cây
Nên đặt chậu cây ở vị trí có nhiệt độ từ 7-30 độ C. Nên chọn vị trí thoáng mát, nhiều ánh sáng để cây phát triển như ban công, cửa sổ,… Tuy nhiên, cần lưu ý, thời gian chiếu sáng cho dâu tây không quá 12 giờ/ngày, vào buổi tối, không nên để cây gần ánh đèn sẽ khiến cây phát triển nhanh nhưng không ra trái.
- Tưới nước
Vào buổi sáng sớm hoặc chiều tắt nắng, bạn tưới nước để đất ẩm và giúp cây phát triển tốt. Đối với hạt giống bạn có thể tưới nước gạo rất tốt. Đối với cây con, bạn cũng có thể tưới nước gạo tới khi cây bám rễ (khoảng một tuần).
Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm, nước giếng khoan, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày.
- Ngắt chùm hoa, cắt tỉa ngó
Để cây dâu tây có thể sinh trưởng mạnh và ổn định trong giai đoạn đầu nên ngắt bỏ chùm hoa đầu tiên để tăng cường sinh trưởng và ức chế cho lần sau cây ra hoa sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Trong giai đoạn thu hoạch, để trái lớn đều nên cân đối giữa khả năng phát triển của khung tán và số lượng hoa trái trên cây nếu nụ, hoa, trái ra nhiều cần tỉa bỏ những nụ, hoa, trái dị dạng và sâu bệnh.
- Tỉa thân lá
Cây ra thân lá nhiều nên phải tỉa bớt sao cho mỗi gốc cây hoặc chậu trồng (nhỏ) chỉ cần từ 3-5 thân cây. Tỉa bớt các lá già, sâu bệnh, lá bị che khuất tầng dưới. Chú ý không nên tỉa quá nhiều sẽ mất khả năng quang hợp của cây. Sau khi cắt tỉa thì dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ gốc cây, không để lá vươn vãi dưới gốc. Trường hợp cây mọc quá dày thì tách cây con trồng chậu mới.
- Che phủ đất
Cây ưa ẩm và quả thường mọc thấp nằm trên mặt đất nếu ta trồng bằng chậu tròn nên hãy phủ lên 1 lớp rơm trên bề mặt xung quanh gốc và phía dưới quả vừa giữ ẩm tốt vừa nâng đỡ cho quả. Cũng có thể thay thế bằng một tấm nhựa mỏng hoặc lưới nylon để hạn chế một số nấm bệnh, cách ly quả tiếp xúc với đất hạn chế bệnh thối quả.
- Bón phân
Sử dụng lượng vừa phải phân gà đã ủ hoai trộn lẫn với đất, không được lạm dụng bón quá nhiều vì sẽ gây nóng và chết cây. Đồng thời không bón phân chưa được ủ hoai bởi có nhiều vi khuẩn, dễ khiến cây xót và bị chết.
Bón phân theo nguyên tắc bón ít nhưng bón nhiều lần trong năm. Lượng phân theo khuyến cáo như trên đối với bón định kỳ có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào sức sinh trưởng, phát dục, giai đoạn bội thu, chu kỳ ra quả.