Nuôi cà cuống mang lại hiệu quả cao.
Giới thiệu về con cà Cuông
Cà cuống là loài côn trùng sống dưới nước, thường xuất hiện tại các vùng đầm lầy, ao, hồ, sông suối, ruộng lúa hoặc các khu vực đất cát xung quanh đó, chúng có thể bay từ dưới nước lên bờ một cách nhanh nhẹn, cà cuống khá lớn so với các loại côn trùng khác, với thân mình mỏng giống như một chiếc lá. Cà cuống có kích thước lớn, với chiều dài khoảng 7 – 12cm, khi mới sinh ra, cà cuống con có màu nâu xám nhạt, dài khoảng 7cm và rộng 3,5cm, thân xuất hiện nhiều gạch đen ngang mình.
Chọn giống cà cuống
Khi chọn cà cuống, bạn nên chọn những con có 6 chân dài và khỏe. Phần bụng có màu vàng nhạt và lông mịn, ở phía trên có một bộ cánh mỏng nửa mềm nửa cứng.
Đối với con cà cuống đực thì ở dưới ngực, ngay gần phía lưng sẽ có hai ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Mỗi bọng dài khoảng 2 – 3cm, rộng 2 – 3cm và có màu trắng, trong đó chứa một chất thơm gọi là tinh dầu cà cuống. Con cà cuống cái không có hai ống tinh dầu này.
Làm bể nuôi cà cuống
Cà cuống có thể sống ở hồ, ao, đầm hay các ruộng lúa nước. Chúng có thể bơi lội nhờ các đôi chân bè, kẹp chặt mồi nhờ các móng nhọn. Đặc biệt chúng rất nhạy cảm với ánh sáng điện.
Cà cuống sẽ khỏe mạnh và cho năng suất cao hay không phụ thuộc phần lớn vào môi trường bể nuôi. Do đó, bạn nên xây dựng một bể thủy sinh có kích thước khoảng 0,8 x 0,4 x 0,4m với mật độ nuôi khoảng 50 con cà cuống/bể.
Bà con nên sử dụng bể bạt với kích thước 2m2, bể cao 50cm để thuận tiện kiểm tra, chăm sóc, chi phí chỉ bằng 1/10 so với bể xây.
Mực nước khi nuôi cà cuống mới nở duy trì ở mức 7 - 10cm, còn đối với bể sinh sản là 15 – 17cm để thuận tiện cho cà cuống săn bắt, kiếm mồi. Mật độ thả nên để từ 60 - 70 con/m2.
Trong bể cần có các cây thủy sinh để cà cuống sinh sống. Một số loại cây bạn có thể trồng trong bể nuôi cà cuống là bèo, rong mái chèo, rau dừa, rau cần trôi… Với những cây có rễ, bạn nên mua những chiếc kẹp y tế lớn để giữ cố định chúng trong sỏi đá. Bạn hãy trải một lớp đất nền gồm cát, sỏi và phân bón để giúp cây bén rễ và phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho cà cuống.
Bên cạnh đó, bạn nên để nước trong bể tuần hoàn nhẹ nhàng và tránh tác động mạnh của dòng chảy khiến phần đất nền bị xới tung gây đục nước. Ngoài ra, bạn hãy thiết kế bộ phận lọc nước, vừa đảm bảo nước luôn được trong sạch, vừa đem lại oxy cho cà cuống hô hấp.
Cách nuôi cà cuống mang lại hiệu quả cao.
Thức ăn của cà cuống
Cà cuống là loại động vật ăn thịt và rất háu ăn. Thức ăn của chúng thường là côn trùng và động vật gồm cá nhỏ, tôm tép, nòng nọc, nhái, dế, châu chấu, cào cào và các loại côn trùng khác. Vì vậy trong bể nuôi bà con nên nuôi thêm cá con, tép để làm thức ăn cho cà cuống.
Khi cho cà cuống ăn, bà con cần phải chú ý kích thước thức ăn phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cà cuống. Bạn nên chọn thức ăn có kích thước bằng một nửa đến bằng kích thước cà cuống, không chọn thức ăn quá lớn hoặc quá nhỏ. Đặc biệt, trong cách nuôi cà cuống hiệu quả thì thức ăn cho chúng phải tươi sống và không được cho chúng ăn đồ ươn hay chết.
Bà con nên vớt thức ăn thừa (xác cá) nhằm đảm bảo vệ sinh nguồn nước, kiểm tra các bể cà cuống (giống, thương phẩm, trứng), đảm bảo luôn đủ thức ăn cho vật nuôi.
Nuôi cà cuống sinh sản
Cà cuống thường sinh sản vào tháng 5 – 8 dương lịch. Loài côn trùng này đẻ trứng thành ổ bao quanh thân cây lúa. Với mỗi ổ hình trụ cỡ 2,5 – 3cm x 0,8 – 1cm. Trứng của chúng có hình bầu dục cỡ 3,5mm. Trứng màu vàng trắng mờ và mỗi ổ có khoảng 70 – 150 trứng.
Thời gian phát triển trứng khoảng 10 ngày. Từ khi ấu trùng nở khỏi trứng rối phát triển qua biến thoái không hoàn toàn, trải qua lột xác 5 lần. Quá trình phát triển của trứng từ khi nở cho đến khi trưởng thành tầm 40 ngày. Trứng sẽ nở ra ấu trùng và trải qua 5 lần lột xác chúng sẽ phát triển thành con trưởng thành.
Sau khi đẻ xong, con cà cuống cái sẽ bám vào cây thủy sinh hoặc bay tà tà trên mặt nước và con đực sẽ đến quạt khí cho trứng nở. Những con cái khác sẽ tìm đến để ghép đôi cùng với con đực và đẻ trứng, chúng sẽ tìm cách phá hủy trứng của con khác và thay thế bằng trứng của mình. Do đó, bạn hãy tách những con cái chưa đẻ ra một bể khác để tránh cà cuống lớn ăn thịt con nhỏ và trên bề mặt bể nuôi phải có nắp đậy bằng lưới lỗ nhỏ tránh cà cuống thoát ra ngoài.
Cà cuống được biết đến với giá trị tinh dầu đặc sắc của con đực.
Muốn cà cuống sinh sản thêm, bà con nên thu lại các ổ trứng để ấp. Cà cuống đực sẽ tiếp tục tiết tinh dầu dẫn dụ con cái sinh sản chu kỳ tiếp theo.
Việc ấp trứng chủ động cũng giúp duy trì con giống tối đa. Nếu để trứng nở tự nhiên, cà cuống con mới nở tại những bể này sẽ bị cá hoặc những con cà cuống to ăn mất.
Quy trình ấp trứng nhân tạo dựa theo đặc tính trứng cà cuống cần duy trì độ ẩm. Bà con nên nhúng trứng xuống nước từ 10 - 15 giây mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho ổ trứng. Đến khi cà cuống nở rụng xuống, sau 12 – 13 tiếng sẽ được chuyển ra bể thả cá mồi để tự kiếm ăn.
Bà con cần thường xuyên theo dõi cà cuống đẻ. Trung bình một ổ trứng có khoảng 100 quả, có con nở trước, con nở sau. Chính vì vậy, bà con nên tách con nhỏ theo từng bể dựa trên kích thước tương đồng, tránh việc cà cuống ăn lẫn nhau.
Thu hoạch và bảo quản Cà Cuống thương phẩm
Cà Cuống sống: Cho vào túi lưới, nhắc thêm các nhánh tre để Cà Cuống bám vào, nhớ tạo ẩm liên tục trong thời gian khi vận chuyển đường dài 1-2 ngày, thùng xốp có đục lổ nhỏ để không khí trao đổi thông thoáng cho Cà Cuống hô hấp.
Cà Cuống làm chết: Nên bỏ vào túi 10 con/bao cho vào ngăn đá tủ lạnh, ngay sau khi sơ chế bọng đái (ruột Cà Cuống) và rửa sạch để ráo nước.
Nuôi cà cuống cần nước sạch tuyệt đối, không sử dụng hoá chất.
Giá trị chủ yếu của cà cuống là tinh dầu. Nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm lưu giữ được tinh dầu, mùi vị thơm, được thị trường rất ưa chuộng. Hy vọng với những kỹ thuật nêu trên sẽ giúp được phần nào bà con trong quá trình nuôi con cà cuống mang lại hiệu quả kinh tế cao.